KTĐT - Phát biểu tham luận tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra hàng loạt giải pháp như cần rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, đẩy mạnh hơn nữa công tác chủ nhiệm, chú trọng môn giáo dục công dân, phối hợp với công an địa phương…
Tình trạng học sinh phổ thông đã bỏ học, sống lang thang có xu hướng tăng. Cơ quan công an thống kê hiện có khoảng 20.000 thanh thiếu niên bỏ học, sống lang thang, bụi đời.
Số liệu trên được Tiến sĩ Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) đưa ra tại Hội thảo về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống tội phạm, bạo lực trong học sinh phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng 25/11 tại Hà Nội.
Đạo đức học sinh đang đi xuống
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Vấn đề giáo dục đạo đức trong học sinh hiện rất cấp bách vì xã hội phức tạp hơn. Những giá trị đạo đức đang thay đổi và thay đổi ngày càng nhanh”.
Còn theo ông Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo thì “tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống, tội phạm và bạo lực trong một bộ phận học sinh xảy ra gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội. Đây là điều trăn trở thường xuyên của ngành giáo dục.”
Cụ thể, theo ông Bình, biểu hiện đầu tiên về sự lệch lạc đạo đức, lối sống đáng lo ngại trong học sinh phổ thông hiện nay là sự thiếu tôn trọng thầy, cô giáo, coi thường kỷ luật của nhà trường. Số liệu từ một cuộc điều tra trên 500 học sinh trung học cơ sở ở quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh, cho thấy, 32,2% học sinh có thái độ vô lễ với thầy, cô giáo. Nhiều em chỉ chào thầy cô khi ở trong sân trường, khi ra đường lại coi như không quen biết. 38% học sinh thường xuyên nói tục.
Bên cạnh đó là việc các em thích thể hiện bản thân một cách thái quá, đề cao giá trị vật chất, lối sống hưởng thụ; quan hệ yêu đương quá sớm và không lành mạnh, xa rời chuẩn mực đạo đức dân tộc; gian lận trong thi cử; thiếu ý thức sống tôn trọng và làm theo pháp luật…
Theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14, Bộ Công an), thì trong 5 năm (2000-2005) đã phát hiện 47.000 vụ phạm pháp hình sự do 64.500 em ở tuổi vị thành niên gây ra.
Từ năm 2005 đến nay, tình trạng học sinh phạm pháp có chiều hướng ngày càng phức tạp cả về tính chất, mức độ lẫn sự nghiêm trọng của các vụ án, trong khi nguyên nhân nhiều khi rất đơn giản như thiếu tiền chơi điện tử, đua đòi quá mức kinh tế cho phép… Trong ba năm (2005-2008), theo thống kê chưa đầy đủ, số vi phạm pháp luật hình sự trong học sinh, sinh viên khoảng hơn 8.000 trường hợp, trong đó hành vi gây rối trật tự công cộng là hơn 2.000, tội phạm ma túy là 815 trường hợp, hành vi giết người là 83 vụ…
Cần phối hợp nhiều giải pháp
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra hàng loạt giải pháp như cần rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, đẩy mạnh hơn nữa công tác chủ nhiệm, chú trọng môn giáo dục công dân, phối hợp với công an địa phương…
Bà Đỗ Thị Hải, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Môi trường và Các vấn đề xã hội, khẳng định kỹ năng sống sẽ giúp cho học sinh sống có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, phòng ngừa những hành vi có hại cho bản thân và biết cách xử lý để đối phó với những thách thức trong cuộc sống.
Tuy nhiên, một cuộc điều tra của Viện này trên 1.043 học sinh, sinh viên ở lứa tuổi thanh thiếu niên (từ 10 đến 19 tuổi) cho thấy 77,7% các em chưa bao giờ được đào tạo, tập huấn về kỹ năng sống, trên 95% các em chưa nhận thức đúng về kỹ năng này. Vì thế, hầu hết các em lúng túng hoặc không biết cách xử lý các tình huống thường gặp.
Cũng theo bà Hải, 80% đối tượng gọi tới chuyên mục “Tư vấn gia đình” của Viện nghiên cứu Môi trường và Các vấn đề xã hội để xin tư vấn về những rắc rối gặp phải trong cuộc sống là ở lứa tuổi vị thành niên.
Theo đó, bà Hải kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đưa kỹ năng sống vào giảng dạy trong trường học.
Đây cũng là ý kiến của ông Phạm Xuân Toàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình.
Vấn đề vai trò của giáo viên chủ nhiệm cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Ông Nguyễn Văn Đồng (Trường Trung học phổ thông Mê Linh, Hà Nội) nói: “Giáo viên chủ nhiệm là người tham gia thường xuyên trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Vì thế, họ phải là những người có kỹ năng sống, kỹ năng phối hợp làm việc. Giáo viên chủ nhiệm vừa là người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, vừa phải là người có tâm huyết với giáo dục đạo đức học sinh.”
Cùng ý kiến này, ông Tăng Văn hợp, Phó Chánh văn Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương, cho rằng cần quan tâm hơn nữa tới kỹ năng cho giáo viên chủ nhiệm, nhất là trong dạy đạo đức và tổ chức hoạt động ngoại khóa.
“Các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa tới đội ngũ này để bồi dưỡng, khen thưởng. Trong khi các thầy cô giáo dạy học sinh giỏi được khen thưởng thì chưa có chế độ nào cho những giáo viên có thành tích giáo dục những học sinh yếu kém đạo đức thành những trò ngoan. Chúng ta thường xuyên bồi dưỡng công tác dạy học nhưng gần như chưa bao giờ tổ chức bồi dưỡng công tác chủ nhiệm”, ông Hợp kiến nghị.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận ngành giáo dục còn nặng dạy chữ, nhẹ dạy người, chưa quan tâm tới dạy đạo đức cho học sinh một cách chi tiết và chưa có tập huấn công tác chủ nhiệm. Cũng theo Thứ trưởng Hiển, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng tài liệu để tích hợp giáo dục kỹ năng sống trong hoạt động giảng dạy ở các trường phổ thông./.