Những năm gần đây, cục diện chính trị thế giới đã không có sự dịch chuyển đáng kể khi Mỹ xao nhãng vai trò lãnh đạo toàn cầu và châu Âu cũng như các cường quốc khác vẫn chưa thể lấp đầy khoảng trống của Washington do những vấn đề nội tại. Trong bối cảnh đó, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Phó Tổng thống Biden khi mới bắt đầu nhiệm kỳ hai cho phép Washington tái định hình chính sách đối ngoại trong 4 năm cầm quyền tới của Tổng thống Barack Obama. Đức, Pháp, Anh và Mỹ vốn là những đồng minh thân cận, đã và đang song hành với nhau trên nhiều mặt trận tại Afghanistan, Iraq... Các quốc gia này cũng luôn "kề vai sát cánh" trong các vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran, Triều Tiên hay hậu thuẫn cho nhau để giải quyết tình hình tại Libya, Syria, Mali... Ngoài ra, với các cuộc gặp gỡ Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Anh David Cameron... chuyến đi của ông Biden được cho là nhằm hối thúc châu Âu nhanh chóng giải quyết vấn đề nợ công, vốn đang đe dọa những tín hiệu tích cực của kinh tế Mỹ.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Angela Merkel
Tuy nhiên, đằng sau những tuyên bố về tăng cường hợp tác xuyên Đại Tây Dương là một nước Mỹ đang phải tìm mọi cách để lấy lại vị thế đối ngoại do thiếu nguồn lực để can dự sâu hơn vào các khu vực nhạy cảm. Trong năm 2011, Mỹ đã chi tiêu cho quốc phòng nhiều gấp 19 lần so với quy mô thực tế của quân đội và làm gia tăng "núi nợ" công hơn 16.000 tỷ USD. Vì thế, những cuộc thảo luận với các đồng minh nhằm đẩy nhanh tiến trình rút quân tại Afghanistan đã được ông Biden xúc tiến thực hiện nhằm hiện thực hóa lời tuyên thệ nhậm chức về "một thập kỷ của chiến tranh đã kết thúc" của Tổng thống Obama.
Thậm chí, khi đề cập đến mục đích thực sự của chuyến công du châu Âu lần này của ông Biden, tạp chí Tấm gương (Đức) còn dẫn lời của chủ nhân giải Nobel 1908 Ernest Rutherford, "chúng tôi đã hết tiền, và đây là thời gian để bắt đầu suy nghĩ". Nước Mỹ ngày nay không còn là một "quốc gia không có không được" như trước. Khi ngân sách sắp cạn tiền, hơn lúc nào hết, Tổng thống Obama phải suy nghĩ rất nhiều trước khi đưa ra "nước cờ hiểm" để thay đổi cục diện chính trường quốc tế.