KTĐT - Chiều 21/10, Bộ GD&ĐT họp báo về tình hình kiểm tra thực hiện nhiệm vụ năm học mới tại một số Sở GD&ĐT và trường đại học. Tuy nhiên, các câu hỏi đều xoay quanh vấn đề "nóng" hiện nay là việc thành lập ĐH Phan Thiết (Bình Thuận).
Sau 2 ngày kiểm tra ĐH Phan Thiết (Bình Thuận), Bộ GD&ĐT khẳng định, với cơ sở vật chất hiện có gồm 10 phòng học, trường đủ điều kiện đào tạo cho 1.000 sinh viên, dù trường này đang có chủ trương đào tạo theo tín chỉ.
Chiều 21/10, Bộ GD&ĐT họp báo về tình hình kiểm tra thực hiện nhiệm vụ năm học mới tại một số Sở GD&ĐT và trường đại học. Tuy nhiên, các câu hỏi đều xoay quanh vấn đề "nóng" hiện nay là việc thành lập ĐH Phan Thiết (Bình Thuận).
Theo Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Chiến, làng cổ Mũi Né - địa điểm dạy học của ĐH Phan Thiết có diện tích hơn 30.000 m2, trong đó có hơn 2.000 m2 diện tích xây dựng. Hiện, trường đã dừng mọi hoạt động thăm quan, du lịch tại đây để phục vụ các hoạt động đào tạo trong khoảng thời gian 2 năm.
ĐH đầu tiên và duy nhất trên cả nước nằm trong làng cổ của khu du lịch này hiện có một hội trường 400 chỗ có ghế, bảng, máy chiếu; 8 phòng học 50 chỗ, 2 phòng học 34 chỗ; 2 phòng máy tính với 72 máy; tổng diện tích thư viện là 280 m2 với khoảng 5.000 đầu sách, giáo trình...
"Với số phòng học trên (không kể hội trường), nếu tổ chức đào tạo 2 ca mỗi ngày thì có thể đáp ứng được quy mô gần 1.000 sinh viên", ông Chiến cho biết thêm khi nói đến quy mô của ngôi trường có 5 ngành đào tạo đại học và 3 ngành cao đẳng theo tín chỉ.
Cũng theo ông Chiến, ĐH Phan Thiết đã xây xong 1 ký túc xá 3 phòng và đang xây dựng 3 nhà, mỗi nhà 6 phòng. Sau khi hoàn thiện, ký túc xá có thể đáp ứng nhu cầu của gần 300 sinh viên năm thứ nhất.
Do nằm trong khu du lịch nên phòng học, ký túc xá của trường cũng phải xây theo lối cổ để sau này còn được dùng vào mục đích kinh doanh du lịch. Ảnh: MOET.
Kết luận của Bộ còn cho thấy, trường đã có Ban giám hiệu với 1 Hiệu trưởng (Phó giáo sư, tiến sĩ) và 2 Hiệu phó (tiến sĩ và thạc sĩ), kịp thời bổ nhiệm nhân sự các khoa, phòng, ban và ký hợp đồng lao động. Trong số 63 giảng viên cơ hữu có 1 Phó giáo sư, 7 tiến sĩ, còn lại là thạc sĩ và cử nhân. Ngoài ra, trường còn ký hợp đồng thỉnh giảng với 102 giảng viên các trường như ĐH Sư phạm, Kinh tế, Quốc gia TP HCM...
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, ĐH Phan Thiết xếp thời khóa biểu chưa đúng với quy định của quy chế đào tạo tín chỉ; chưa có phần mềm tổ chức quản lý đào tạo theo tín chỉ; số lượng giáo trình, tài liệu tham khảo còn hạn chế so với quy mô tuyển sinh và một số phòng học chưa đủ ánh sáng.
"ĐH Phan Thiết khẩn trương hoàn thiện các công trình đang xây dựng, bổ sung giáo trình, chấn chỉnh đội ngũ giảng viên... để đáp ứng chất lượng dạy và học", ông Chiến lưu ý.
Còn Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học Ngô Kim Khôi thừa nhận, việc thẩm định mở trường ĐH Phan Thiết là dựa trên hồ sơ trường gửi chứ không đến kiểm tra trực tiếp tại trường. Trên cơ sở quy định của Bộ, Vụ đã cho phép trường mở 5 ngành đào tạo.
Giảng đường 400 chỗ của ĐH Phan Thiết. Ảnh: MOET.
Trước đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Hồ Dũng Nhật cũng đã có công văn gửi Bộ GD&ĐT báo cáo một số vấn đề liên quan đến trường này.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, dù được giao 10,5 ha đất để xây trường nhưng do đang hoàn tất thủ tục đất đai nên việc ĐH Phan Thiết tận dụng Làng cổ Mũi Né để triển khai các hoạt động của trường là giải pháp tối ưu. Hơn nữa, vì nằm trong làng cổ nên cơ sở vật chất tại đây rất thuận lợi, phù hợp công tác giảng dạy và học tập.
"ĐH Phan Thiết đủ điều kiện cơ sở vật chất, tổ chức nhân sự và nội dung chương trình để triển khai công tác đào tạo ngay trong năm học 2009-2010 theo chỉ tiêu được giao", ông Dũng nêu trong công văn gửi Bộ.
Trong khi đó, do quá bức xúc trước thực trạng của trường, ngày 15/9, tiến sĩ Võ Đức Lương (từng dạy tại ĐH Tổng hợp Hà Nội và ĐH Vinh) đã làm đơn từ chức sau 3 tháng làm Hiệu phó ĐH Phan Thiết. Ngày 21/9, ông Lương đã gửi Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân bức thư với nội dung sau:
"Các đề án xin mở các ngành của ĐH Phan Thiết không đảm bảo tính trung thực. Kể từ khi thành lập cho đến khi tuyển sinh trường chưa hề có các bộ phận phòng ban chức năng mà chỉ có một Hiệu trưởng do Bộ GD&ĐT công nhận còn tôi chưa có hợp đồng lao động, chưa được cấp cardvisit Phó hiệu trưởng để quan hệ công tác.
Trường chưa hề có một giảng viên cơ hữu nào. Trường không hề thành lập hội đồng tuyển sinh nhưng vẫn tuyển sinh mà không theo quy trình nào cả. Trường mở các ngành nhưng đều nhờ các cán bộ kiêm nhiệm của các trường đại học ở phía Nam kiêm nhiệm.
Là một giảng viên nhiều năm dạy ở bậc đại học, tôi muốn góp một chút công sức vào công tác giáo dục khi tuổi đời mới ngoài 60 và sức khỏe vẫn còn khá nhưng cung cách mở trường tư để tự mình điều hành như thế này thì tôi phải xin nghỉ. Tôi gửi thư xin Bộ trưởng xem xét chỉ với mong muốn là trường này không nằm ngoài quỹ đạo các trường đại học của hệ thống giáo dục quốc dân".