Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đào tạo 500 người/năm đối với chức danh Thẩm phán

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo nghề Luật sư, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Công chứng viên và các chức danh tư pháp khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”.

 
Theo Đề án, đào tạo 500 người/năm đối với chức danh Thẩm phán - Ảnh minh họa
Theo Đề án, đào tạo 500 người/năm đối với chức danh Thẩm phán - Ảnh minh họa

Đề án hướng đến mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2013-2015, nâng cao chất lượng đào tạo Thẩm phán, Kiểm sát viên, thực hiện thí điểm đào tạo chung nguồn bổ nhiệm chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư. Mở rộng quy mô đào tạo Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên và các chức danh tư pháp khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp. Đến năm 2015, tổng quy mô đào tạo các chức danh tư pháp khoảng 12.600 người (trung bình 4.200 người/năm).

Bên cạnh đó, tập trung bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và cập nhật kiến thức mới cho các chức danh tư pháp và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp, phấn đấu đến năm 2015 đạt quy mô bồi dưỡng khoảng 36.000 lượt người.

Từng bước mở rộng hoạt động bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật tại các doanh nghiệp với quy mô khoảng 10.000 lượt người/năm, tập huấn kiến thức pháp luật cho các cơ quan, tổ chức ngoài ngành Tư pháp với quy mô khoảng 3.300 lượt người/năm.

Đào tạo 500 người/năm đối với chức danh Thẩm phán

Theo Quyết định, cần tăng cường công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp và các bộ, ngành hữu quan trong đào tạo nguồn bổ nhiệm chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, bảo đảm chỉ tiêu đào tạo 500 người/năm đối với chức danh Thẩm phán, 300 người/năm đối với chức danh Kiểm sát viên.

Bên cạnh đó, thực hiện đào tạo Luật sư với quy mô 2.500 người/năm, chú trọng đào tạo luật sư theo Đề án Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập quốc tế và ưu tiên đào tạo cho các địa phương thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Đào tạo nguồn cán bộ cho các cơ quan Thi hành án dân sự, bảo đảm chỉ tiêu đào tạo Chấp hành viên 300 người/năm và các chức danh khác của cơ quan Thi hành án dân sự (Thẩm tra viên thi hành án dân sự, Thư ký Thi hành án dân sự từ 200 người/năm đến 300 người/năm), đào tạo Thừa phát lại trong khuôn khổ thực hiện Đề án thí điểm chế định Thừa phát lại; đẩy mạnh đào tạo Trọng tài viên, Hộ tịch viên, Trợ giúp viên pháp lý, Đăng ký viên giao dịch bảo đảm với quy mô khoảng 3.150 người/năm.

Thí điểm đào tạo chung nguồn bổ nhiệm chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư

Cũng theo Quyết định, cần phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xây dựng nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu và các điều kiện cần thiết để thí điểm đào tạo chung nguồn bổ nhiệm chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015 với quy mô 100 người/năm. Trên cơ sở đánh giá, tổng kết việc đào tạo thí điểm, hoàn thiện nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu thực hiện đào tạo chung Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư từ năm 2016 với quy mô 500 người/năm.

Cùng với đó là tăng cường hoạt động phối hợp giữa Học viện Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ sở đào tạo luật khác trong hoạt động hướng nghiệp nghề nghiệp tư pháp cho sinh viên; thiết kế chương trình đào tạo theo hướng liên thông với chương trình đào tạo cử nhân luật, tạo điều kiện cho sinh viên từng bước tiếp cận chương trình đào tạo chung nguồn bổ nhiệm chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư.

Đồng thời, nghiên cứu xây dựng và áp dụng chính sách miễn, giảm học phí cho học viên thuộc diện đối tượng chính sách hoặc ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, cấp học bổng cho học viên giỏi để thu hút, khuyến khích người tài, góp phần bảo đảm cơ cấu vùng miền của học viên tham gia chương trình đào tạo chung và được tuyển dụng vào các cơ quan tư pháp sau khi tốt nghiệp.