Tuy nhiên, đại diện nhiều trường đã kịch liệt phản đối các đề xuất này tại hội thảo Đổi mới mô hình đào tạo, chương trình đào tạo của các trường sư phạm, diễn ra chiều 26/4.
Tranh cãi về số lượng tín chỉ
Với vai trò đầu tàu trong các trường ĐH sư phạm trọng điểm, ĐH Sư phạm Hà Nội thiết kế chương trình đào tạo mới nhằm đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 của Việt Nam. Nhóm ngành đào tạo giáo viên dạy tích hợp và phân hóa có thời gian 4 năm với 150 tín chỉ. Giai đoạn 1, SV hoàn thành 90 tín chỉ đồng nghĩa với đạt chuẩn giáo viên THCS được cấp bằng CĐ; giai đoạn tiếp, SV học nốt 60 tín chỉ đạt chuẩn giáo viên THPT được cấp bằng ĐH. Theo PGS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, chương trình mới này được xây dựng trên cơ sở lựa chọn những ưu điểm của chương trình hiện hành cũng như tiếp thu những kinh nghiệm quý báu của quốc tế.
Tuy nhiên, con số 150 tín chỉ đã trở thành "ngòi châm" cuộc khẩu chiến tưởng như không hồi kết giữa đại diện các trường. Bộ GD&ĐT quy định khung chương trình 120 - 140 tín chỉ, nay nâng lên thành 150 có thể dẫn đến vi phạm luật lao động. Kéo dài tín chỉ không có nghĩa là chất lượng đào tạo tốt lên, nhất là khi cách dạy đã chuyển sang chú trọng phát triển năng lực của từng cá nhân. Hơn nữa, hiện bậc phổ thông đang thực hiện giảm tải, cớ gì lại nâng số tín chỉ quá mức cho phép? Còn phải tính đến cả chuyện lấy đâu ra kinh phí cho việc đào tạo số tín chỉ dư ra...
Nhiều ý kiến cho rằng, chương trình đào tạo giáo viên dạy tích hợp và phân hóa chỉ 130 - 135 tín chỉ là vừa. SV sư phạm của nhiều nước trên thế giới học số tín chỉ ít hơn chúng ta (Mỹ 120 tín chỉ, Nhật Bản 125 tín chỉ, Hàn Quốc 126 tín chỉ). PGS Hoàng Văn Cẩn - Phó Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh đề nghị tăng thời gian thực tập sư phạm: "Đôi khi càng nhiều tín chỉ thì đào tạo càng loãng. Chúng ta nên học tập mô hình đào tạo của trường y, buổi sáng SV lên lớp, buổi chiều thực tập tại bệnh viện, như vậy sẽ tốt hơn". Trong khi đó, GS Đỗ Đức Thái - Trưởng khoa Toán ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: Không thấy mâu thuẫn giữa đào tạo năng lực và kiến thức kỹ năng Sách giáo khoa Toán mỏng là một thảm họa, là đánh lừa thiên hạ. Đừng nghĩ ít là tốt.
Chưa đồng thuận với mô hình 3+1
Trong khi đó, đại diện nhiều trường kịch liệt phản đối việc thiết kế chương trình đào tạo ĐH nhưng lại được cấp bằng CĐ sau khi SV hoàn thành 90 tín chỉ. Thiết kế đào tạo này bị cắt khúc giống như trước đây đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng không ghé qua ở Hải Dương, thì nay lại có trạm dừng chân. 90 tín chỉ được tính bằng 3 năm học cũng khiến đại diện nhiều trường không đồng tình bởi đã học tín chỉ sao còn tính thời gian của niên chế. Hơn nữa, chương trình đào tạo ĐH lại cấp bằng CĐ, vậy thì các trường CĐ sư phạm để làm gì?
Về việc này, ông Lê Thụy Hải - Trưởng khoa Hóa, ĐH Sư phạm thuộc ĐH Đà Nẵng bày tỏ quan điểm: "Tôi không đồng ý học chương trình ĐH đến đoạn đó được cấp bằng CĐ để dạy học sinh THCS, bởi đào tạo giáo viên cho bậc học này phải có chương trình riêng. Về mặt tâm lý, người ta sẽ nghĩ SV học dốt nên phải xuống dạy THCS, như thế không công bằng với giáo viên THCS". Tuy nhiên, GS Đỗ Đức Thái cho rằng mô hình đào tạo 3 + 1 không cắt khúc mà tạo cơ hội cho những SV gặp khó khăn về kinh tế không thể theo học hết 4 năm ĐH và những SV không may mắn. Song như một chuyên gia giáo dục nói, với những trường hợp cá biệt như thế, nên cấp chứng chỉ, không nên cho ra xã hội sản phẩm "què quặt".
Chủ trì hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển kết luận, đào tạo giáo viên theo hướng tích hợp là cần thiết, ai tích hợp được nhiều thì dạy học sẽ tốt hơn, phân hóa tùy theo hoàn cảnh. Một xã hội đang phát triển, đào tạo giáo viên phải có chuẩn nghề nghiệp, thích hợp nhiều chương trình phổ thông, có năng lực tích hợp sâu và phân hóa mạnh. "Tôi rất hy vọng đề án của ĐH Sư phạm Hà Nội thành công là mô hình điểm để các trường khác học tập, phục vụ đổi mới căn bản toàn diện giáo dục" - ông Hiển bày tỏ.
Hội thi nghiệp vụ sư phạm của sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh TTXVN
|
Các trường tự quyết định chương trình đào tạo, Bộ không can thiệp nhưng nên bàn kỹ 135 hay 150 tín chỉ và phải xác định đào tạo sư phạm chỉ 4 năm, quan trọng là khi ra trường, giáo viên có thể dạy được THPT hay THCS. Ông Nguyễn Vinh Hiển Thứ trưởng Bộ GD&ĐT |