Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đào tạo liên thông sắp được “cởi trói”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tốt nghiệp trung cấp (TC) nghề, TC chuyên nghiệp, cao đẳng (CĐ) nghề, CĐ được thi liên thông lên CĐ, đại học (ĐH) chính quy ngay; các trường tự ra đề thi và tổ chức thi tuyển...

Những sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Thông tư số 55/2012/TTLT-BGDĐT quy định đào tạo liên thông trình độ ĐH, CĐ khiến nhiều người cho rằng, Bộ GD&ĐT sắp “cởi trói” cho các trường, nhất là những trường đang gặp khó khăn trong tuyển sinh.
Nhiều cơ hội học… đại học

Nhiều chuyên gia giáo dục và lãnh đạo các trường CĐ, ĐH cho rằng, dự thảo này nếu được thực thi sẽ tạo điều kiện cho mọi người được học tập suốt đời, nâng cao trình độ đáp ứng được yêu cầu xã hội. Dự thảo dựa vào tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm để tăng khả năng của các trường, cũng là xu thế tất yếu. Hơn nữa, hiện nay, chúng ta đang áp dụng đào tạo chính quy là đào tạo liên tục, những người thời điểm đó chưa đủ điều kiện vào CĐ, ĐH, nhưng sau khi tốt nghiệp TC hoặc CĐ, kết quả học tập tốt và có nguyện vọng học tiếp để có cơ hội phát triển tốt hơn cần được tạo cơ hội.
Giờ học trên giảng đường của sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội.  	Ảnh:  Nguyễn Đức
Giờ học trên giảng đường của sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đức
Ngoài ra, những quy định mới trong dự thảo còn mang lại nhiều quyền lợi cho người học. Điển hình, “người tốt nghiệp TC nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT phải học và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa trong chương trình giáo dục THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT” là được dự thi liên thông. Hay việc tuyển sinh bổ sung phương thức thi tuyển cũng là hình thức Bộ GD&ĐT giúp các trường mở rộng nguồn tuyển. PGS Lê Hữu Lập - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng, quy định này phù hợp với tình hình hiện nay và kế thừa nguyên tắc tuyển sinh theo Thông tư 55 hiện hành để đảm bảo chất lượng. Riêng nỗi lo lắng về chất lượng đào tạo liên thông bấy lâu được đảm bảo bằng quy định: Chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy được xác định theo chỉ tiêu của từng ngành đào tạo, không vượt quá 15% chỉ tiêu của ngành đối với các ngành về khoa học sức khỏe và không vượt quá 20% chỉ tiêu của ngành đối với các ngành khác.

Nhưng vẫn thiếu thực tế

Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan, những quy định mới đưa ra nhằm “thích ứng” với những đổi mới trong GD&ĐT vẫn còn có những điều thiếu thực tế. Hiện nay, các trường TC kỹ thuật, TC y, TC kỹ thuật công nghiệp, TC tài chính ngân hàng, TC văn thư lưu trữ… dạy các môn khác nhau. Vậy ai sẽ là người xác nhận việc thiếu kiến thức để học bù? Vì thế, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ nên để cho các trường tự quyết định học viên liên thông đang thiếu kiến thức gì thì bổ sung cho đầy đủ.

Rồi Bộ quy định việc xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia của thí sinh dự thi tại các cụm thi do trường ĐH chủ trì là không thích hợp, bởi đa số những người muốn học liên thông đã đi làm, kiến thức văn hóa đã cũ. Với việc các trường được tự ra đề và tổ chức thi, người học liên thông chính quy không phải trải qua 36 tháng kinh nghiệm làm việc, ông Khuyến cảnh báo chất lượng đào tạo sẽ bị giảm sút nếu không kèm theo cơ chế kiểm định chất lượng. Do vậy, “thời gian học liên thông từ TC lên ĐH ít nhất là 3,5 năm, nghĩa là kéo dài thêm 0,5 năm so với trước để củng cố kiến thức. Bởi chương trình TC chủ yếu là học nghề, thiếu cơ sở lý luận. Tương tự, thời gian học liên thông từ CĐ lên ĐH là 2 năm. Như thế, hai bộ phận của bộ máy được ráp vào nhau sẽ khớp và vận hành trơn tru, đồng nghĩa với đầu ra không khác nhau về trình độ” - nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng Nguyễn Văn Hùng đưa ra giải pháp cho bài toán chất lượng.

Rất nhiều người cho rằng, quy định trần chỉ tiêu liên thông 15% đối với các ngành về sức khỏe và 20% đối với các ngành khác là không công bằng. Có người đề nghị những trường đảm bảo các điều kiện về đào tạo, chỉ tiêu nên được giao nhiều hơn. Tuy nhiên, lại có ý kiến phản bác cho rằng, trường top đầu phải tập trung đào tạo bậc cao. Bộ nên khống chế chỉ tiêu tổng thể, nếu trường tuyển sinh hệ chính quy nhiều thì hệ liên thông giảm hoặc ngược lại; đào tạo một sinh viên chính quy được tính bằng 2 học viên liên thông, vì thời gian đào tạo liên thông ít. Và một điều rất quan trọng mà các trường đang phải đối mặt, song không có mặt trong dự thảo, đó là quy định thực hiện việc chuyển đổi giữa các ngành đào tạo gần nhau nhằm tạo thuận lợi cho người học được rút ngắn thời gian và tiền bạc, cũng như tạo thuận lợi cho các đơn vị đào tạo liên kết tuyển sinh.

Vậy là dù Bộ GD&ĐT có “cởi trói” cho các trường thì cũng như đào tạo ĐH, CĐ chính quy, nếu trường không có thương hiệu, chất lượng đào tạo không đảm bảo và không gắn với nhu cầu xã hội, thì việc tuyển sinh đầu vào vẫn mãi là một bài toán khó.