Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đào tạo nghề chưa theo kịp yêu cầu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Là thành viên Chính phủ thứ 3 đăng đàn trả lời chất vấn vào chiều 13/6, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đã trả lời các ĐBQH quanh các vấn đề về đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, giải quyết chế độ cho người có công… Tuy đây không phải là những vấn đề mới, nhưng lại được các cử tri đặc biệt quan tâm.

Dạy nghề, Bộ sẽ đổi mới

Những bất cập trong đào tạo nghề một lần nữa lại được đưa ra trước diễn đàn Quốc hội. ĐB Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho rằng: Nhà nước đã đầu tư nhiều nguồn lực cho công tác dạy nghề, nhưng hiện lại bộc lộ nhiều hạn chế và có nguy cơ lãng phí bởi "có trường, có thầy nhưng thiếu trò". ĐB đề nghị Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này.

Thừa nhận thực trạng dạy nghề chưa theo kịp yêu cầu, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền giải trình bằng liệt kê những cố gắng của Bộ trong đổi mới công tác này như đào tạo gắn với đơn đặt hàng, thu hút doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo… Bằng chứng là có trên 800 trường dạy nghề, nhưng có 76 trường nghề của doanh nghiệp. Và Bộ sẽ tiếp tục những giải pháp này trong thời gian tới.

Đào tạo nghề chưa theo kịp yêu cầu - Ảnh 1

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền.

Với vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nhiều bất cập như các ĐB Nguyễn Minh Lâm (đoàn Long An), ĐB Nguyễn Minh Tuyết (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt ra, Bộ trưởng nhận định: Đúng là hơn 70% lao động chưa được đào tạo nghề rơi vào khu vực nông thôn. Trả lời câu hỏi về việc trùng lắp trong quản lý hệ thống trường nghề của huyện, trung tâm giáo dục thường xuyên giữa Bộ LĐTB&XH và Bộ GD&ĐT dẫn đến lãng phí nguồn lực, Bộ trưởng cho biết: Tới đây sẽ nghiên cứu hướng dẫn sáp nhập vào một và trực thuộc quản lý cấp huyện.

Bộ có trách nhiệm trong việc chậm hướng dẫn

Bị các ĐBQH "truy" về trách nhiệm của Bộ trong việc chậm hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Người có công mới, khiến cử tri bức xúc, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhận trách nhiệm, nhưng lại biện giải: "Đây là chính sách lớn, liên quan đến nhiều đối tượng, nên cần phải làm chu đáo, cẩn thận, do đó chậm so với quy định". Theo Bộ trưởng, Bộ đã làm việc với Hội Chất độc da cam để có hướng giải quyết các trường hợp tồn đọng, cố gắng đến năm 2015 cơ bản thực hiện được chính sách với đối tượng tham gia kháng chiến và thân nhân của họ.

Liên quan đến việc một Thứ trưởng Bộ phát biểu trong phiên họp UBTVQH là lạm phát không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng: Đây chỉ là ý kiến của cá nhân Thứ trưởng, còn Bộ khẳng định dứt khoát là có ảnh hưởng.

Phần chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH sẽ tiếp tục diễn ra vào sáng nay (14/6) với các vấn đề liên quan đến công tác xuất khẩu lao động, chế độ tiền lương, giải quyết chính sách cho đối tượng tham gia kháng chiến bị thất lạc giấy tờ…