Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đào tạo sau đại học: Kỷ cương bị thả lỏng

Cao Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình đào tạo chưa hợp lý, tình trạng đạo văn trong các công trình khoa học là điều khiến nhiều người nghi ngờ về chất lượng đào tạo sau đại học (ĐH) hiện nay.

Chưa kiểm soát được đạo văn

Cùng với sự phát triển của internet, tình trạng đạo văn không chỉ ở cấp ĐH mà cả sau ĐH ngày càng nở rộ. Những công trình khoa học để được nhận văn bằng thạc sĩ hoặc TS nếu nó là sản phẩm từ đạo văn, không đơn giản chỉ phản ánh nền giáo dục lộn xộn, mà gây tai vạ cho cả quốc gia. Bởi, chính những người đạo văn, sử dụng bằng cấp làm phương tiện tiến thân, leo cao, chui sâu vào các cấp quản lý Nhà nước và quản trị chính quyền. Trớ trêu nhất, chính những người từng đạo văn trở thành các TS, rồi tiếp tục “chạy” PGS, GS trong các cơ sở đào tạo ĐH hoặc viện nghiên cứu, giờ đây làm nhiệm vụ chống đạo văn có được không?

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã thanh tra, xử lý thu bằng TS của vài đối tượng bị cho là đạo văn luận án TS. Tuy nhiên, việc xử lý đó không phải từ sự phát hiện của Bộ này, mà từ đơn thư tố cáo của đồng nghiệp. Nghĩa là có tố cáo sự việc, Bộ mới tổ chức thanh tra, xử lý, còn không tố cáo thì không bao giờ phát hiện được việc đạo văn. Khôi hài thay, có trường hợp xử lý đạo văn luận án TS, do tố cáo của một vị GS lại chính là người giữ chức trách Chủ tịch Hội đồng bảo vệ luận án này diễn ra trước đó 10 năm.

Đối với thạc sĩ, thời gian gần đây, kết quả chấm luận văn tại một số cơ sở đào tạo đã xuất hiện điểm 5,5 hoặc 6, thậm chí bị đánh trượt (dưới điểm 5,5) giảm đáng kể tình trạng đánh giá luận văn luôn chỉ có giỏi và xuất sắc như trước đây. Tuy nhiên, kết quả ấy chỉ rơi vào những nơi có sự xuất hiện một vài “tiến sĩ diệt đạo văn”.

Chưa kiểm soát được nạn đạo văn trong đào tạo sau ĐH do nhiều nguyên nhân, song có 4 nguyên nhân chính. Thứ nhất, không chỉ từng cơ sở đào tạo, mà ngay Bộ GD&ĐT cũng còn biểu hiện thờ ơ với vấn đề kiểm soát đạo văn. Bằng chứng, Bộ này chưa từng có một văn bản chỉ đạo các cơ sở đào tạo trong việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý đạo văn. Hiện quy chế đào tạo thạc sĩ (Thông tư 15/2014/TT – BGDĐT) và quy chế đào tạo TS (Thông tư 08/2017/TT- BGDĐT) chỉ quy định người làm luận văn hoặc luận án phải trích dẫn và chỉ rõ nguồn tham khảo các kết quả nghiên cứu của tác giả khác. Hệ quả là, không chỉ người học, mà ngay đối với giảng viên và đơn vị quản lý đào tạo, phần nhiều còn mù mờ về đạo văn.

Thứ hai, muốn kiểm soát đạo văn, cơ sở đào tạo ít nhất được trang bị phần mềm phát hiện đạo văn. Hiện vẫn nhiều cơ sở đào tạo chưa trang bị công cụ này. Những cơ sở đã trang bị thì hiệu quả khai thác còn thấp do chưa có trung tâm dữ liệu chung của cả nước.

Thứ ba, việc phát hiện đạo văn rồi có xử lý được hay không? Theo một TS (xin được giấu tên) từng rất nhiều lần tham gia hội đồng chấm luận văn cao học các ngành kinh tế với tư cách phản biện thì để đánh rớt một học viên vi phạm đạo văn hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của Chủ tịch Hội đồng chấm, chứ không phải là ý kiến của thành viên phản biện. TS này dẫn chứng, cuối năm vừa qua, ông tham gia phản biện một đề tài luận văn về “tỷ suất lợi nhuận vượt trội của cổ phiếu”. Nghi ngờ có sự đạo văn từ tác giả nước ngoài nên tra google, chấp nhận bỏ phí tham khảo tài liệu là 26 USD, ông đã phát hiện mức độ đạo văn khá nghiêm trọng, đề nghị Hội đồng chấm cho điểm trượt. Tuy nhiên, vị Chủ tịch Hội đồng đã lái các thành viên khác chấm tối thiểu mức 6 - 7 điểm. Kết cục, học viên này vẫn đạt bình quân điểm 6,8 và người phản biện bị tiếng “soi riết quá”. Vì vậy, mấy ai muốn phiền toái cho việc phát hiện đạo văn?

Thứ tư, một số cơ sở đào tạo lạm dụng vấn đề quyết định người hướng dẫn, thành viên Hội đồng chấm, để xử lý mối quan hệ cá nhân hoặc tổ chức. Bởi vậy, có nhiều trường hợp cơ sở đào tạo phân công người hướng dẫn, thành viên hội đồng chấm, không đáp ứng yêu cầu. Nguyên tắc quyết định người hướng dẫn, phản biện là người đó không chỉ cùng thuộc chuyên ngành, mà phải có trình độ sâu sắc về đề tài nghiên cứu. Thực tế, trong giới ĐH hay đùa: “Mời làm phản biện danh mục tài liệu tham khảo”. Vướng vào trường hợp này, Hội đồng chấm luận văn thường diễn ra qua loa. Trong khi nội dung bản luận văn, tác giả của nó có đạo văn hay không chỉ người này mới biết.

Chương trình nặng về học lại hoặc tùy hứng

Nhìn chung chương trình đào tạo thạc sĩ khối ngành kinh tế, xã hội và nhân văn phần nhiều lặp lại chương trình ĐH, dĩ nhiên tên gọi học phần sẽ được thêm bớt từ ngữ để nó “kêu” hơn. Chẳng hạn, học phần Tài chính DN trong chương trình ĐH, thì lên cao học có tên gọi là Tài chính DN nâng cao. Tệ hại của thuật ngữ “nâng cao” là đề cương giảng dạy như ĐH.

Thực ra, kiến thức nâng cao của cao học so với ĐH là kiến thức cập nhật, kiến thức từ nghiên cứu mới và kiến thức để giải quyết các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn. Để thiết kế và giảng dạy được một chương trình như vậy đòi hỏi người giảng phải đầu tư nhiều công sức, trí tuệ và phải có sự uyên thâm về chuyên ngành đào tạo. Điều đó cũng có nghĩa là, các cơ sở đào tạo nếu cứ quan niệm đã TS là giảng dạy tốt được cao học, thì học cao học cũng không hơn gì so với học ĐH.

Bên cạnh những hạn chế trong chương trình đào tạo thạc sĩ, chương trình đào tạo TS ở một số cơ sở đào tạo có tình trạng không gắn với mục tiêu của chương trình đào tạo, theo cách tư duy cá biệt. Theo quy chế đào tạo TS của Bộ GD&ĐT, tổng số tín chỉ đào tạo trình độ TS là 90, bao gồm 16 tín chỉ bắt buộc, 4 tín chỉ tự chọn, 70 tín chỉ tính cho phần tự nghiên cứu và viết luận án. Riêng phần 16 tín chỉ bắt buộc, thông thường trừ ra 6 tín chỉ của việc viết các chuyên đề và tiểu luận tổng quan. Như vậy, thời lượng dành cho giới thiệu các vấn đề mới và chuyên sâu thuộc chuyên ngành đào tạo còn lại khoảng 10 tín chỉ là đã quá ít. Trong khi, một số cơ sở đào tạo chèn vào các học phần một cách tùy tiện, ngẫu hứng. Chẳng hạn, ĐH B bố trí 4/10 tiết cho học phần ngoại ngữ. Tệ hơn, ĐH M bố trí 9/10 tiết chỉ để đào tạo các học phần về phương pháp nghiên cứu khoa học đã từng học ở chương trình đào tạo thạc sĩ.

Chương trình đào tạo lủng củng, giảng viên chưa đủ chuẩn về năng lực và trách nhiệm, cộng với quản lý đào tạo sau ĐH còn bị thả lỏng, đã tạo ra hợp lực mà Bộ GD&ĐT sẽ khó chống đỡ trong quản lý chất lượng đào tạo sau ĐH, nếu Bộ chưa thực sự quyết tâm.