Đây là thông tin được Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng nêu ra tại Diễn đàn Nguồn nhân lực Toàn cầu 2017 do Bộ Giáo dục Hàn Quốc và Thời báo Kinh tế Hàn Quốc phối hợp với Bộ GD&ĐT Việt Nam tổ chức ngày 14/12.
Theo ông Phòng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) và hội nhập kinh tế quốc tế, thị trường lao động gặp nhiều thách thức. Nghiên cứu của Đại học Oxford và Tập đoàn tư vấn McKinsey dự báo, 50% công việc tại các nước phát triển sẽ được thay thế bởi các quy trình tự động hoá trong 15 năm tới. Tỉ lệ này cao hơn ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Vì thế, nhu cầu đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế ngày càng trở nên cấp bách. Ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế có đến 86% lao động cho các ngành Dệt may và Giầy dép Việt Nam có nguy cơ cao mất việc khi chúng ta tiếp cận CMCN 4.0.
Ông Phòng cho rằng, với sự phát triện của cuộc CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế, hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ bị tác động mạnh mẽ và toàn diện. Danh mục ngành nghề đào tạo sẽ phải điều chỉnh, cập nhật liên tục vì các ranh giới giữa những lĩnh vực rất mỏng manh. Sẽ là sự liên kết giữa các lĩnh vực lý – sinh; cơ – điện tử - sinh, hình thành những ngành nghề đào tạo mới. Đặc biệt nhiều nghề liên quan đến sự tương tác giữa con người và máy móc, ví dụ nghề trợ lý ảo, phục vụ ảo, thư ký ảo.
Nhằm xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động, Phó Phòng VCCI Quang Phòng đề nghị Nhà nước xây dựng cơ cấu đào tạo tập trung phát triển những ngành tự động hoá. Đồng thời, đầu tư cho các nhóm nghiên cứu sâu về lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ thông tin, năng lượng và vật liệu mới, công nghệ sinh học. Đảng và Nhà nước cần đầu tư xứng tầm và có chiều sâu để các trường đại học trọng điểm đi đầu trong công tác nghiên cứu khoa học, tiếp cận với các nước tiên tiến. Các trường ĐH nên tiên phong trong công tác khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ - tri thức và cũng là nơi ươm mầm tài năng của đất nước.
Các cơ sở đào tạo, song song với việc nâng cao chất lượng lao động, cần chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình đào tạo “những gì thị trường cần” và “những gì thị trường sẽ cần”. Để thực hiện mô hình mới này, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần gắn kết với DN. Đồng thời đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong DN để chia sẻ nguồn lực chung (cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực) quan trọng hơn rút ngắn thời gian chuyển giao từ kiến thức, kỹ nâng vào thực tiễn cuộc sống.
Các trường cần đẩy mạnh những hoạt động nghiên cứu ứng dụng, công nghệ, phương tiện dạy học và ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý đào tạo. Đặc biệt, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cũng như gắn nghiên cứu với hoạt động chuyển giao tại cơ sở và chú trọng nghiên cứu mô hình phỏng, tương tác giữa người và máy.