KTĐT - Theo Phó Giám đốc TTKC Lê Văn Đông, mỗi lớp học trong thời gian 3 tháng, do giáo viên Trường CĐ nghề Đồng Tháp giảng dạy.
Đồng Tháp hiện có trên 400 DN và cơ sở sản xuất lĩnh vực cơ khí đang hoạt động, mỗi đơn vị có từ 5 - 50 thợ tùy quy mô sản xuất. Tuy nhiên, hầu hết số công nhân này đều chưa được đào tạo nghề chính quy; họ học nghề theo phương thức người mới vào làm được người cũ truyền nghề...
Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (sau đây viết tắt là TTKC), do tay nghề của thợ chưa chuẩn nên nhiều sản phẩm của các cơ sở cơ khí trong tỉnh làm ra chất lượng chưa cao, ảnh hưởng tới giá trị sản xuất của toàn ngành; của DN, cơ sở sản xuất; thu nhập của công nhân vì vậy cũng chưa cao.
Khắc phục thực trạng này, năm 2009, TTKC triển khai chương trình đào tạo nghề cơ khí từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Tới nay, TTKC đã phối hợp với 2 cơ sở sản xuất tổ chức được 2 lớp dạy nghề cơ khí với 90 học viên là thợ của Cơ sở cơ khí Vạn Phúc (huyện Lấp Vò) và Cơ sở Út Máy Cày (huyện Cao Lãnh).
Theo Phó Giám đốc TTKC Lê Văn Đông, mỗi lớp học trong thời gian 3 tháng, do giáo viên Trường CĐ nghề Đồng Tháp giảng dạy. Học viên được học lý thuyết và thực hành nhiều nội dung: Sử dụng dụng cụ đo, tháo lắp; kỹ thuật điện; chi tiết cấu tạo máy; thực hành máy nông cụ; thực hành hàn; sửa chữa máy... Hiện lớp mở tại Cơ sở Út Máy Cày học viên đã học được 2 tháng. Còn lớp mở tại Cơ sở cơ khí Vạn Phúc đã hoàn tất chương trình.
Ông Phan Tấn Phúc - chủ Cơ sở Vạn Phúc – cho biết: Sau khóa học, điều đầu tiên có thể thấy là công nhân tự tin hơn nhờ tay nghề vững hơn; một số thợ thao tác xử lý thuần thục hơn.
Vẫn theo Phó Giám đốc TTKC Lê Văn Đông, từ kết quả của năm đầu tiên, chương trình sẽ tiếp tục được triển khai. Theo đó, ngoài các lớp đào tạo căn bản, TTKC sẽ mở các lớp chuyên sâu theo từng chuyên ngành; học viên là công nhân cơ khí đã được đào tạo qua các lớp căn bản. Dự kiến, sắp tới TTKC sẽ ưu tiên hỗ trợ đào tạo thợ cơ khí cho những cơ sở sản xuất máy các loại máy nông cụ...