Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đào tạo từ xa - cứu cánh ngành giáo dục?

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã liên tiếp phát đi những hướng dẫn, điều chỉnh kịp thời công tác dạy và học. Đào tạo từ xa đã xuất hiện như một cứu cánh, song việc có triển khai được đại trà hay không vẫn còn là một câu hỏi khó.

Một chương trình giảng dạy từ xa trên truyền hình Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Lấy người học làm trung tâm
Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị về những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 với ngành giáo dục, ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT cho rằng: “Đúng là giai đoạn khó khăn sẽ đưa ngành giáo dục đến với những thách thức và cơ hội để đổi mới, hướng tới những bước chuyển mình tích cực trong công tác quản lý, đào tạo. Đặc biệt, sẽ giúp người làm giáo dục tiệm cận với những đòi hỏi cụ thể từ phía người học, từ đó có những điều chỉnh phù hợp”.
Với quan điểm lấy người học làm trung tâm, Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên đã liên tiếp triển khai các chương trình đồng hành cùng học sinh, sinh viên. Cụ thể, trung tuần tháng 4 vừa qua, đơn vị này đã tổ chức chuơng trình “Đồng hành cùng học sinh, sinh viên trong mùa Covid-19”, với sự tham gia của hàng trăm chuyên gia giáo dục đến từ các vụ, viện, trường đại học trong nước và quốc tế.
Tại buổi đồng hành, cơ quan chức năng đã kêu gọi học sinh, sinh viên tự nguyện khai báo y tế; hướng dẫn phương pháp tiếp cận thông tin chính thống về cách phòng, chống dịch Covid-19; kêu gọi các sáng kiến của học sinh, sinh viên mùa dịch; làm thế nào để tập trung học khi đang ở nhà...
Ông Bùi Văn Linh cho rằng, khi người quản lý giáo dục tiếp cận, lắng nghe thường xuyên tâm tư, chia sẻ của học sinh, sinh viên sẽ có thể tư vấn, hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong học tập, rèn luyện và trong các mối quan hệ gia đình, nhà trường, xã hội. Từ đó tạo tâm lý lạc quan, vui vẻ, nâng cao các giải pháp, kỹ năng sống cũng như hướng tới lối suy nghĩ, hành động tích cực trong học sinh, sinh viên.
Thay đổi cách thức đào tạo
Ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT nhận định, vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức giản lược các nội dung nâng cao cũng như chưa thật sự cần thiết để giữ lại nội dung cốt lõi, bảo đảm học sinh hoàn thành chương trình năm học. Tuy vậy, đây là việc làm phục vụ cho năm học 2019 - 2020 do diễn biến của dịch Covid-19.
“Năm sau, nếu không phát sinh các tình huống ngoài ý muốn, việc dạy, học sẽ tiếp tục như quy định. Bộ GD&ĐT sẽ không tính đến chuyện tinh giản mà thay vào đó, sẽ xem xét thay đổi cách thức đào tạo để bảo đảm quyền lợi người học” – ông Thái Văn Tài cho biết.
Cũng theo ông Tài, với các lớp học trực tuyến hiện tại, ông Thái Văn Tài cho rằng, đây chỉ mới đang dừng ở giải pháp tình thế và tính chủ động trong giáo dục. Để tạo điều kiện cho một hệ thống giáo dục công nghệ, có thể “chạy” song song hoặc cùng kết hợp với đào tạo giáo dục truyền thống, ngành giáo dục cũng như các ngành, nghề liên quan cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, từ cơ sở vật chất đến hạ tầng, công nghệ thông tin, sự tương tác của các bên liên quan, mặt bằng dân trí, kinh tế...
Với yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, theo ông Thái Văn Tài, các địa phương, cơ sở giáo dục cần chủ động xây dựng quy chế, nội quy cho từng lớp học; xây dựng các phương án bổ sung, sẵn sàng hỗ trợ trong các tình huống phát sinh. Đồng thời phối hợp với các ngành nghề liên quan, bảo đảm an ninh, an toàn các lớp học trực tuyến, hạn chế tối đa sự can thiệp của các đối tượng phá hoại.

Rà soát quá trình dạy, học trực tuyến

Trong tình hình mới, các đơn vị chuyên môn phải chuẩn bị các kịch bản cho việc dạy và học, trong đó tính đến phương án kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến khi học sinh có thể trở lại trường học. Bộ GD&ĐT sẽ rà soát toàn bộ quá trình dạy, học trực tuyến, trên truyền hình để đưa ra những giải pháp phù hợp, hiệu quả

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Đào tạo online là lựa chọn tất yếu

Việt Nam chưa thể và không nên rời xa mô hình đào tạo truyền thống, bởi ngoài dạy kiến thức, còn là dạy làm người. Tuy vậy, cũng không thể phủ nhận xu hướng tất yếu của mô hình đào tạo online. Trong trường hợp mô hình này được đầu tư đúng đắn, sẽ góp giảm thiểu gánh nặng chi phí của ngành giáo dục.

Tuy nhiên, để làm được điều này, ngoài việc nâng cao chất lượng hạ tầng cơ sở, ngành giáo dục cần đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, sớm làm chủ công nghệ để hướng tới một nền giáo dục tiên tiến, văn minh.

Tổng chủ biên Chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông mới GS Nguyễn Minh Thuyết