Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đáp ứng tốt hơn yêu cầu trong giải quyết thủ tục hành chính

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để thực hiện mục tiêu nâng mức độ hài lòng của người dân, DN về giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đạt tối thiểu 85%, các đơn vị tại Hà Nội đang triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện nghiêm kỷ luật hành chính, nhân rộng mô hình tốt.

Gắn với chủ đề công tác năm của TP là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, đổi mới và phát triển”, các quận, huyện trên địa bàn đang triển khai nhiều giải pháp để tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ DN và người dân của đội ngũ cán bộ, công chức. Trong đó, bố trí công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp ứng xử tốt làm việc tại bộ phận “một cửa”… Duy trì tốt trang thông tin điện tử để cung cấp đầy đủ, kịp thời các TTHC cho người dân. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra công vụ ở các lĩnh vực tư pháp, quản lý trật tự xây dựng, tài nguyên và môi trường…
 Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Công Hùng
Vừa qua, UBND TP đã ban hành Văn bản số 784 yêu cầu tập trung chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, bảo đảm việc thực hiện thuận lợi, giảm chi phí, giảm tiếp xúc trực tiếp cho người dân, DN. Nâng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị lên Cổng dịch vụ công quốc gia tăng thêm so với năm 2020 là 20%... Tại các quận, huyện. trong những năm qua, việc nâng cao sự hài lòng của người dân với giải quyết TTHC cũng được đặc biệt trong tâm. Như tại huyện Chương Mỹ, vừa qua, huyện đã triển khai nhân rộng mô hình “Một cửa hiện đại, thân thiện, gần dân” (bỏ vách ngăn, thiết kế không gian cây xanh…) được thực hiện thành công tại UBND thị trấn Xuân Mai ra toàn huyện...
Tại quận Nam Từ Liêm, đơn vị đầu tiên của TP triển khai mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm”, từ quận đề các phường đều xác định phương châm hành động “5 biết” (biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi và biết cảm ơn), "5 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả), "3 không" (không chậm trễ trong việc giải quyết hồ sơ và công việc; không sách nhiễu, phiền hà người dân; không để tổ chức, công dân đi lại nhiều lần)... Quận Hoàn Kiếm đã làm tốt việc rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm…
Tại UBND phường Quán Thánh (quận Ba Đình) đã khởi động mô hình “Ngày không chờ” tại bộ phận “một cửa” của phường…. Nhiều đơn vị sở, ngành đã triển khai chính quyền điện tử nhằm giúp người dân, tổ chức dễ dàng tiếp cận thông tin các TTHC của đơn vị cung cấp. Qua đó, nhiều cách làm hay đã được triển khai nhằm tạo điều kiện cho các DN, cá nhân được thực thi.

Đi kèm với đó, các cán bộ, công chức, viên chức tiếp dân, giải quyết hồ sơ công việc được bồi dưỡng về kỹ năng văn hóa giao tiếp, ứng xử, kỹ năng phối hợp làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết hồ sơ trực tuyến. Các giải pháp được triển nhằm nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức và DN về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 85%; tối thiểu 99% số hồ sơ TTH được trả kết quả giải quyết đúng hạn, trước hạn…
UBND TP Hà Nội ban hành Công văn số 1477 về thực hiện một số giải pháp tiếp nhận và trả kết quả TTHC để phòng, chống dịch Covid-19. Văn bản nhấn mạnh đến việc tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân ưu tiên lựa chọn việc thực hiện các TTHC trên môi trường mạng, thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 hoặc dịch vụ bưu chính công ích của TP. Cùng với đó, các quận, huyện, sở, ngành được yêu cầu chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch; chủ động phối hợp chặt chẽ với Bưu điện Hà Nội, các đơn vị cung ứng dịch vụ bưu chính thực hiện việc tiếp nhận và chuyển trả kết quả giải quyết TTHC cho công dân...