Kết quả vượt trội
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2013 đã đông lên qua các tháng, nhất là từ tháng 7 đến nay (6 tháng đầu năm đạt dưới 600.000 lượt người/tháng, từ tháng 7 đến nay đạt gần 700.000 lượt người/tháng). Tính cả năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt mức kỷ lục trên dưới 7,5 triệu lượt người. Kỷ lục này càng có ý nghĩa trong điều kiện nhiều nền kinh tế chưa phục hồi tăng trưởng, thậm chí còn suy giảm, phần đông người dân vẫn "thắt lưng buộc bụng" - nghĩa là nhu cầu du lịch nằm trong danh sách cắt giảm.
Những kết quả trên đã giúp kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch (chiếm khoảng trên 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ) hướng tới kỷ lục mới. Bởi với mức chi tiêu bình quân 1.067 USD/lượt khách, số tiền chi tiêu của khách quốc tế năm 2013 đã vượt qua mốc 8 tỷ USD, tăng khoảng 17,1% so với năm 2012 - một tốc độ tăng ít người nghĩ đến. Cơ cấu lượng khách quốc tế cũng chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó, lượng khách du lịch, nghỉ dưỡng tiếp tục đông nhất (61,3%) và có tốc độ tăng cao nhất trong các mục đích đến. Nguyên nhân là bởi Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng trên thế giới. Hơn nữa, rất nhiều người đến Việt Nam vì công việc (đầu tư, thương mại, lao động) do quan hệ đầu tư, thương mại của Việt Nam với nước ngoài đã có dấu hiệu khởi sắc. Cũng phải kể đến 16,6% lượng khách quốc tế là kiều bào về thăm thân nhân…
Khách nước ngoài đến Việt Nam tập trung chủ yếu ở 17 nước và vùng lãnh thổ, đông nhất là từ Trung Quốc (chiếm trên 25,2%). Đông thứ hai là Hàn Quốc (chiếm 10% tổng số), rồi đến Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), Campuchia, Malaysia, Australia, Nga, Thái Lan, Pháp… Đây cũng là dấu hiệu để người làm du lịch trong nước lấy làm trọng điểm đầu tư cho việc đón khách quốc tế trong những năm sau.
Chưa vội mừng
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, về chỉ tiêu khách quốc tế, Việt Nam cũng còn có những hạn chế. Quy mô lượng khách quốc tế đến Việt Nam tính bình quân 100 dân còn thuộc loại thấp (mới đạt trên 8 khách), trong khi nhiều nước đã đạt trên 100, thậm chí trên 200 khách. Thế nên, việc cần làm của du lịch Việt Nam bây giờ là quảng bá, tôn tạo các danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử. Bên cạnh đó là giảm giá dịch vụ, khắc phục các hạn chế bất cập, nhất là tình trạng níu kéo, tranh giành khách, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông… Có như thế mới tăng được lượng khách du lịch, tăng số ngày lưu trú và tăng tỷ lệ người đến trong các lần sau, tăng chi tiêu của khách… Nghĩa là cần phải làm cho Việt Nam trở thành nơi "đất lành chim đậu".
Một điểm cần lưu ý thêm là trong khi tốc độ tăng dân số tự nhiên của Việt Nam chỉ có 0,99%, nhưng tốc độ tăng dân số vẫn ở mức 1,05 - 1,06%, chứng tỏ Việt Nam đang nhập cư ròng dân số từ nước ngoài, một phần do số Việt kiều trở về, một phần do có lượng người nước ngoài đã nhập cư để sinh sống lâu dài tại Việt Nam, trong đó có số lao động nhập cư. Con số này có thể xem là "ảo" nếu xếp vào danh sách khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam.
Khách du lịch nước ngoài trên phố Hàng Mã. Ảnh: Văn Phúc
|