Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dấu ấn chặng đường 50 năm phát triển của Cộng đồng ASEAN

Theo TTXVN/VIETNAM+
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/8/2017 đánh dấu chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nay là Cộng đồng ASEAN.

Trải qua 50 năm hình thành và phát triển với nhiều thăng trầm, ASEAN đã khẳng định vị thế của một tổ chức vững mạnh, liên kết sâu rộng và là đối tác không thể thiếu của các nước trên thế giới với những thành tựu đáng tự hào.
- Quy mô dân số: 635 triệu dân.
- Tổng sản phẩm quốc nội (GDP): Khoảng 3.000 tỷ USD.
- Tổng kim ngạch thương mại hàng năm: Hơn 1.000 tỷ USD, trong đó thương mại nội khối chiếm 1/4.
- Là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới và thứ 3 châu Á sau Trung Quốc và Ấn Độ. Dự đoán ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới trong năm 2025.
Nguồn: Diplomatic Courier
- ASEAN đã xây dựng các liên kết kinh tế với nhiều đối tác. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ASEAN khởi xướng lần đầu tiên vào năm 2011 sẽ tạo dựng nên một trong những khối thương mại lớn nhất thế giới, bao gồm gần một nửa dân số thế giới và hơn 1/3 thương mại toàn cầu. ASEAN hiện có 10 đối tác đối thoại chính thức, trong đó có 8 quốc gia và 2 tổ chức quốc tế là Liên hợp quốc (LHQ) và Liên minh châu Âu (EU). Có 6 đối tác đối thoại được thiết lập từ những năm 1970, gồm: Australia (1974), New Zealand (1975), Canada, EU, Nhật Bản, Mỹ và Liên hợp quốc (1977). Riêng quan hệ đối thoại với Liên hợp quốc sau này được thay thế bằng đối tác toàn diện.
- ASEAN chính thức thiết lập quan hệ đối thoại với Nhật Bản vào năm 1973. Hiện Nhật Bản là đối tác thương mại và là nhà cung cấp vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) đứng thứ 2 ở ASEAN. Tổng vốn FDI của Nhật Bản đầu tư vào ASEAN đạt 17,4 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng lượng vốn FDI vào ASEAN. Kim ngạch thương mại 2 chiều giữa ASEAN-Nhật Bản đạt 239 tỷ USD trong năm 2015, chiếm 10,5% tổng thương mại của ASEAN. Hiện hơn 10.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại ASEAN, tạo công ăn việc làm cho lao động trẻ ở khu vực này cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội của các nước thành viên.
- ASEAN chính thức thiết lập quan hệ đối thoại với Liên minh châu Âu (EU) vào năm 1977. EU là thị trường xuất khẩu và là nhà cung cấp vốn FDI hàng đầu của ASEAN trong khi ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 3 của châu Âu, sau Mỹ và trung Quốc, với kim ngạch thương mại 2 chiều giữa ASEAN - EU trong năm 2016 đạt 228 tỷ USD. FDI của EU chiếm 22% tổng lượng vốn FDI vào ASEAN. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của EU sang Việt Nam gồm dược phẩm, máy móc, thiết bị vận tải, trong khi nhập khẩu các sản phẩm nông sản, dệt may từ ASEAN.
- ASEAN chính thức thiết lập quan hệ đối thoại với Hoa Kỳ vào năm 1977. Hiện Hoa Kỳ là bạn hàng lớn thứ 4 của ASEAN với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 212,8 tỷ USD trong năm 2015, đồng thời cũng là nước đứng đầu về đầu tư trực tiếp vào ASEAN với tổng giá trị lên tới 274 tỷ USD. Bên cạnh đó, quan hệ hợp tác kinh tế hai bên cũng đã mang lại hơn 5 triệu việc làm tại Hoa Kỳ.
- ASEAN chính thức thiết lập quan hệ đối thoại với Trung Quốc vào năm 1991. Trung Quốc đã 8 năm liên tiếp là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, còn ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc trong 6 năm vừa qua. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và ASEAN tăng từ mức 8 tỷ USD vào năm 1991 lên mức 452 tỷ USD vào năm 2016. Kim ngạch đầu tư hai chiều tăng từ mức 500 triệu USD vào năm 1991 lên 180 tỷ USD vào năm 2016.
- ASEAN chính thức thiết lập quan hệ đối thoại với Ấn Độ vào năm 1992. Hiện ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ, chiếm 10% tổng thương mại của nước này trong khi Ấn Độ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của ASEAN. Nếu như năm 1992, tổng kim ngạch thương mại của Ấn Độ với ASEAN đạt gần 5 tỷ USD thì sau hơn 20 năm, con số này đã lên tới hơn 76,53 tỷ USD giai đoạn 2014 - 2015, 65,04 tỷ USD giai đoạn 2015 - 2016. Hai bên đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại giữa ASEAN và Ấn Độ đến năm 2025 đạt 200 tỷ USD.
- ASEAN cũng xây dựng thành công quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi với nhiều tổ chức ở khu vực và trên thế giới. Trong đó, đáng kể nhất là đối tác toàn diện ASEAN-LHQ được thành lập và nâng cấp năm 1977, Hội đồng Hợp tác các nước vùng Vịnh (GCC), Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), Nhóm Rio và sau này là Cộng đồng các quốc gia Nam Mỹ và Carribe và Liên minh Thái Bình Dương.
Đến nay, đã có 86 quốc gia ngoài ASEAN cử đại sứ tại ASEAN; đặc biệt là các nước và đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và EU. Từ cuối thập niên đầu thế kỷ XXI, ASEAN đã cải thiện nhanh chóng và mở rộng quan hệ đối thoại chiến lược với Mỹ và chú trọng làm sâu sắc quan hệ hơn với Trung Quốc, nhất là quan hệ kinh tế. Các đối tác của ASEAN, đặc biệt là các nước lớn đều mong muốn ASEAN phát huy vai trò trung tâm trong các cơ chế hợp tác ở khu vực.