Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dấu ấn Chương Mỹ sau 10 năm hợp nhất

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2018 đánh dấu tròn 10 năm, Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội Khóa XII, cũng là 10 năm, Chương Mỹ chính thức trở thành một huyện của Hà Nội. Quãng thời gian không dài, nhưng Chương Mỹ đã để lại nhiều dấu ấn trên các mặt kinh tế - xã hội.

 Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng biểu dương các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ảnh: Khắc Kiên.
Nỗ lực hòa nhịp
Là huyện có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên với vị trí cửa ngõ phía Tây Nam của Thủ đô, có Quốc lộ 6 và đường Hồ Chí Minh chạy qua, là đầu mối giao thương giữa Thủ đô, vùng đồng bằng Bắc Bộ với khu vực Tây Bắc của đất nước. Huyện có tiềm năng lớn về đất đai, nguồn nước, địa hình đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào và nhiều làng nghề thủ công truyền thống. Song, huyện cũng gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội do nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ, thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai bão lụt, lũ rừng ngang...

Trước những khó khăn đó, thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, Chương Mỹ tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy - HĐND - UBND TP, sự giúp đỡ tích cực của các sở, ban, ngành, đồng thời phát huy lợi thế, tiềm năng và nội lực sẵn có, sự đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng, phát triển huyện với một tâm thế và quyết tâm mới - quyết tâm hòa nhịp đập cùng với các quận, huyện của Thủ đô.

Chuyển biến tích cực

Với nỗ lực không ngừng, sau 10 năm về Thủ đô, Chương Mỹ đã có rất nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Trong phát triển kinh tế, Chủ tịch UBND huyện Đinh Mạnh Hùng phấn khởi, nếu như năm 2008, ở thời điểm hợp nhất, huyện mới đạt tổng giá trị sản xuất là 6.766 tỷ đồng, thì đến năm 2018, ước tổng giá trị sản xuất của huyện đạt 20.785 tỷ đồng, tăng gần 14.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng chuyển mạnh từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.
Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Chương Mỹ đã bám sát các chỉ đạo của T.Ư, Thành ủy, HĐND, UBND TP triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2017, Chương Mỹ là một trong những đơn vị dẫn đầu được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ Thi đua xuất sắc, Thành ủy Hà Nội công nhận Đảng bộ huyện Chương Mỹ là Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Kết quả công tác của huyện Chương Mỹ năm 2017 và quý I/2018 đã đóng góp quan trọng vào những kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của TP...
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung (trích kết luận tại buổi làm việc với huyện Chương Mỹ ngày 27/3)
Năm 2008, giá trị ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản của huyện mới đạt 3.552 tỷ đồng, chiếm 52,1% trong cơ cấu kinh tế, đến năm 2018 ước đạt giá trị 11.860 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 57,5%, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 12,8%/năm. Huyện đã tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN vào đầu tư và phát triển. Đến nay, huyện đã phát triển một khu công nghiệp, 9 cụm công nghiệp trên diện tích 442,5ha. Toàn huyện có 488 DN, tăng 283 DN so với năm 2008 và hơn 9.000 cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động.

Giá trị sản xuất của ngành dịch vụ - thương mại năm 2008 mới đạt 942 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 15,4%, đến năm 2018 ước đạt 5.100 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23,5% trong cơ cấu kinh tế, tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 18,4%. Đến nay, toàn huyện có 572 DN kinh doanh thương nghiệp, dịch vụ, tăng 314 DN so với năm 2008 và trên 9.000 hộ kinh doanh đang hoạt động. Ở thời điểm năm 2008, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản đạt giá trị là 2.272 tỷ đồng, chiếm 32,5%, đến năm 2018 ước đạt 3.825 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19% trong cơ cấu kinh tế, tăng trưởng trung bình hàng năm là 5,3%.

Đến nay, huyện thực hiện cơ bản xong công tác dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng và phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, gắn với chuỗi giá trị đạt hiệu quả kinh tế cao... Năm 2008, huyện chưa có xã đạt NTM, đến năm 2018, đã có 21/30 xã được TP công nhận đạt chuẩn NTM. Kinh tế phát triển, xây dựng NTM thành công, thu nhập trung bình đầu người của huyện từ 8,8 triệu đồng năm 2008, ước tăng lên 43 triệu đồng năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 16,33% năm 2008 xuống còn 2,6% năm 2018.

Từ chỗ công tác quy hoạch hầu như chưa được triển khai, trong giai đoạn 2008 - 2018, huyện Chương Mỹ đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Coi quy hoạch có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, triển khai hàng loạt các quy hoạch được TP Hà Nội phê duyệt... Công tác văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Ngoài ra, Chủ tịch Đinh Mạnh Hùng cũng thông tin, cùng với việc đẩy mạnh CCHC, cắt giảm nhiều thủ tục, huyện đã từng bước cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, tinh gọn bộ máy, đổi mới, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, tạo sự hài lòng và nâng cao niềm tin của Nhân dân, DN. Đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 theo chỉ đạo của UBND TP; Định kỳ tổ chức đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính từ huyện tới các xã, thị trấn, cải thiện và nâng cao sự hài lòng của người dân; Thực hiện giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đảm bảo quy định của pháp luật đạt 99,8%, từ đó đã góp phần ồn định tình hình trên địa bàn để phát triển kinh tế - xã hội.

Vóc dáng mới

Về Chương Mỹ, mỗi người dân đều cảm nhận được sự đổi thay của huyện sau 10 năm hợp nhất. Chương Mỹ hôm nay đang mang một vóc dáng mới năng động, văn minh, hiện đại được TP ghi nhận và đánh giá cao.
Cùng với sự quan tâm đặc biệt của TP, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Chương Mỹ luôn đoàn kết, thống nhất, phát huy tiềm năng, lợi thế, vượt qua khó khăn, thử thách, giành được nhiều thành tựu to lớn, tạo sự chuyển mình mạnh mẽ, toàn diện về kinh tế - xã hội. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị của huyện sau 10 năm cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, tăng cường công tác xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong các DN ngoài khu vực Nhà nước đã góp phần vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đến nay, toàn huyện có có 43 tổ chức Đảng trong DN ngoài khu vực Nhà nước với tổng số 375 đảng viên, tăng 39 tổ chức Đảng so với năm 2008.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng
Tuy nhiên, ông Đinh Mạnh Hùng vẫn đau đáu, để phát triển kinh tế - xã hội xứng tầm với vị thế huyện anh hùng còn rất nhiều việc phải làm. Rất mong T.Ư và TP tạo điều kiện sớm triển khai các quy hoạch lớn trên địa bàn, đặc biệt là quy hoạch hạ tầng giao thông, các quy hoạch đô thị vệ tinh Xuân Mai, thị trấn sinh thái Chúc Sơn để tạo được động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Hay giải quyết vấn đề lũ rừng ngang và ngập úng vùng Hữu Bùi tuy đã có quy hoạch nhưng còn thiếu vốn đầu tư… Trong đó, mong mỏi lớn nhất là cải tạo, nâng cấp đường tỉnh lộ 419, đường Nguyễn Văn Trỗi, nhất là cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 trở thành tuyến giao thông huyết mạch nhằm thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho DN hoạt động...

Chia tay tôi, Chủ tịch Đinh Mạnh Hùng khẳng định: Tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của TP, Chương Mỹ sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, kinh nghiệm và kết quả đạt được. Tập trung khắc phục khó khăn, hạn chế tồn tại, quyết tâm hành động, tạo thêm những bước chuyển mới, đạt được kết quả toàn diện, tích cực hơn trên mọi lĩnh vực, xây dựng và phát triển quê hương Chương Mỹ ngày càng văn minh, hiện đại, hòa nhịp cùng sự phát triển chung của Thủ đô.
Trước mắt, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch của năm 2018, lập thành tích thiết thực chào mừng kỷ niệm 130 năm ngày thành lập huyện 1/4/1888 – 1/4/2018 và 80 năm ngày thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện 26/11/1938 - 26/11/2018 – những mốc son trong lịch sử hình thành và phát triển.