Đưa được 80 bức ảnh trong số hàng nghìn tác phẩm trưng bày trong triển lãm này, tôi xin gửi đến họ - những người thợ lao động trên 99 công trình thuộc 52 tỉnh, thành từ Nam ra Bắc, từ Tây Nguyên cho tới núi rừng Tây Bắc mà tôi đã đi qua với lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ và sự trân trọng”, đó là chia sẻ của tác giả Nguyễn Tất Lộc với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị trước ngày khai mạc triển lãm “Dấu ấn những công trình”.
Một trong những tác phẩm của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Tất Lộc được trưng bày tại triển lãm. |
Tác giả Nguyễn Tất Lộc hiện là Ủy viên Ban Chủ nhiệm CLB Ảnh báo chí - Nhà Văn hóa Hội Nhà báo Việt Nam . Đối với ông, nhiếp ảnh không phải là sân chơi, cũng chưa hẳn là đam mê, bởi đã là chơi và mê thì cũng có lúc nhàm, lúc chán và đi đến bỏ cuộc. Với ông, ảnh rất cần thiết để đưa vào chỗ đứng trong một bài báo hay bài phóng sự. Nó là sự minh chứng cho cái thật, cái nóng ở chính nơi diễn ra sự kiện mà người viết nói tới. Ông kể: “Năm 1966 tôi sắm chiếc máy ảnh hiệu Vera của ông bạn công tác ở xưởng phim Quân đội mang từ CHDC Đức về. Từ đó, chiếc máy ảnh đã luôn đồng hành với tôi trong tất cả các chuyến đi tác nghiệp trên những công trường có con người, có các phương tiện thi công. Có được tấm ảnh đi kèm bài viết vừa góp phần diễn tả sự thật, vừa làm cho bài viết sinh động mang hơi thở và khí thế tại nơi diễn ra sự kiện và những công việc ở đó. Ý thức trong tâm trí, tôi dùng máy ảnh để phục vụ cho công việc là vậy”.
Đeo bám cả trăm công trình suốt hơn 50 năm qua, nhà báo Nguyễn Tất Lộc thấm thía rằng, nói đến những dự án thủy điện thì ở đó là núi cao, rừng sâu hiểm trở, là lũ sông, lũ suối bất thình lình đổ xuống, sẵn sàng cuốn phăng đi tất cả. Những trận sạt lở núi đá, sụt lở hầm dẫn nước khiến cho con người phải gánh chịu sự trừng phạt của thời tiết, khí hậu vô cùng khắc nghiệt… “Tôi đã từng chứng kiến vụ sạt lở núi đá mà hàng vạn mét khối đất đá đã vùi lấp cả phương tiện, máy móc lẫn những người thợ thi công tại công trường Thủy điện Bản Vẽ. Tôi đã ở cùng với người lao động trong đợt lũ quét bất thường tại công trường Huội Quảng (Sơn La), ở Hủa Na trên sông Chu, ở Bình Thuận, ở Đưng K’nớ (Lâm Đồng) nước lũ đã chia cắt cả toán thợ hàng trăm người trong suốt cả tuần lễ ròng rã. Đây mới chỉ là ví dụ cho một vài sự cố hiểm nguy, vất vả trong số hàng chục, hàng trăm vụ việc xảy ra mà tôi chứng kiến. Ấy thế nhưng, tất cả chỉ diễn ra thầm lặng, để rồi hôm nay, khi Nhà máy vận hành thì tất cả đã nằm chìm sâu trong những đường hầm ở lòng núi đá…” - người nghệ sĩ 80 tuổi hồi tưởng.
Giờ đây, mỗi khi tìm, lật giở lại những cuộn phim, những tấm hình đã ghi được để chiêm nghiệm, để ngắm nhìn, tác giả Nguyễn Tất Lộc vẫn cảm nhận được hơi thở của sự sống đang “cựa quậy”, có mùi vị của những giọt mồ hôi còn vương mùi bùn đất, bụi đá. Mặc dù đã gửi gắm và chia sẻ phần nào nỗi ám ảnh này vào các trang viết đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng; nhưng trong lòng ông vẫn cảm thấy chưa vơi “món nợ” trần gian… Và người nghệ sĩ, nhà báo bậc thầy ấy đã quyết tâm gửi gắm nỗi lòng qua hơn 80 bức ảnh trưng bày trong triển lãm “Dấu ấn những công trình”. Đây cũng là cách ông trả món nợ nhân gian khi bước sang tuổi 80.
Triển lãm ảnh “Dấu ấn những công trình” sẽ ra mắt giới báo chí và công chúng từ ngày 8 - 10/4, tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt |