Kinhtedothi - Năm năm qua, không chỉ người dân Thủ đô mà người dân cả nước và khách quốc tế khi đến Hà Nội không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến sự phát triển vượt bậc của hạ tầng giao thông thành phố với những công trình quy mô, tầm cỡ như nhà ga cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, nhà ga T2 Quốc tế Nội Bài, cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Đông Trù, đường vành đai 3 trên cao, cầu vượt Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, cầu Vĩnh Tuy...
Đây là những công trình giao thông tầm vóc được xây dựng bằng tâm sức, trí tuệ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, là công trình của tình hữu nghị, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Công trình của tình hữu nghị Việt - Nhật
Trong những năm qua, Nhật Bản là quốc gia cung cấp nguồn vốn ODA lớn nhất cho thành phố Hà Nội; trong đó phần lớn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị.
Nhiều công trình, dự án sử dụng nguồn vốn này đã làm thay đổi diện mạo kết cấu hạ tầng giao thông thành phố như nút giao Ngã Tư Sở, đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa..., đặc biệt cụm công trình giao thông trọng điểm Quốc gia gồm cầu Nhật Tân (cầu Hữu nghị Việt-Nhật), nhà ga hành khách T2 của Sân bay quốc tế Nội Bài và đường nối sân bay quốc tế Nội Bài với cầu Nhật Tân (đại lộ Võ Nguyên Giáp) sau khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, nâng cao năng lực vận chuyển từ sân bay tới trung tâm thành phố, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam.
Cầu Nhật Tân nhìn từ phía quận Tây Hồ. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
|
Tại lễ khánh thành cầu Nhật Tân - công trình biểu trưng cho tình hữu nghị hai nước Việt Nam-Nhật Bản và nhà ga T2 Nội Bài, ông Akihiro Ota, Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Du lịch Nhật Bản đã bày tỏ sự vui mừng khi Nhật Bản góp sức đầu tư xây dựng cụm công trình này.
Việc hoàn thành cầu Nhật Tân và đường nối đến sân bay Nội Bài sẽ kết nối với sân bay Nội Bài tạo thuận lợi cho hành khách di chuyển về thủ đô Hà Nội. "Nhà ga T2 là biểu tượng cho sức sống, cho thịnh vượng và phát triển của Việt Nam. Đây là một câu truyện về tình bạn giữa Nhật Bản và Việt Nam, hy vọng hai đất nước sẽ có nhiều dự án hợp tác sâu rộng hơn," ông Akihiro Ota nhấn mạnh.
Những công trình giao thông trọng điểm đã phát huy hiệu quả làm thay đổi diện mạo, nâng cao năng lực giao thông, giải quyết đáng kể tình trạng ùn tắc trên địa bàn thành phố. Làm nên sự “thay da, đổi thịt” của hạ tầng giao thông trước tiên phải kể đến cụm công trình cầu Nhật Tân-đại lộ Võ Nguyên Giáp và nhà ga T2 Nội Bài.
Cụm công trình này sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đã rút ngắn thời gian lưu thông từ trung tâm lên sân bay Nội Bài được khoảng 30 phút so với tuyến đường cũ. Đặc biệt, cầu Nhật Tân đã trở thành điểm nhấn kiến trúc, cảnh quan cho thành phố, là cây cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á.
Nhà ga T2 Nội Bài với thiết kế hài hòa với thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng; có các hệ thống thiết bị hàng không tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam sau khi đưa vào hoạt động đã góp phần giải quyết tình trạng quá tải tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài với công suất phục vụ 10 triệu hành khách mỗi năm; trong đó ngày cao điểm có thể phục vụ tới 30.000 hành khách với 230 lượt cất hạ cánh.
Ghi nhận tình cảm và sự hỗ trợ của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản, tại lễ khánh thành cầu Nhật Tân, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã cảm ơn Nhật Bản đã tài trợ vốn ODA cho các dự án.
Phó Thủ tướn nhấn mạnh cầu Nhật Tân và nhà ga T2 là công trình biểu trưng tình hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản, đánh dấu sự hợp tác giữa hai đất nước trong nhiều lĩnh vực. Cụm công trình này đưa vào khai thác rút ngắn khoảng cách giữa sân bay và trung tâm Hà Nội. Đường Nhật Tân-Nội Bài sẽ là trục giao thông đô thị chính phía Bắc sông Hồng, tạo nền tảng phát triển các khu đô thị phía Bắc.
Không thể nói hết sự vui mừng, chờ đón của người dân Thủ đô khi được chứng kiến cây cầu dây văng với năm trụ tháp tượng trưng cho năm cửa ô vươn mình qua sông Hồng được khánh thành sau gần 10 năm chờ đợi đã kéo nông thôn lại gần với thành thị, tạo ra trục giao thông chiến lược từ sân bay quốc tế vào trung tâm thành phố.
Góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển
Khi hạ tầng giao thông luôn trong tình trạng vừa thiếu, vừa yếu, đường sá chật hẹp, manh mún trong suốt một thời gian dài thì việc ra đời những đại lộ, tuyến đường cao tốc, cây cầu hiện đại là một bước tiên vượt bậc góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Cùng với cụm công trình cầu Nhật Tân-đại lộ Võ Nguyên Giáp và nhà ga T2 Nội Bài, đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai hoàn thành đưa vào sử dụng là một trong 9 công trình đột phá trong quản lý về chất lượng công trình, trở thành điểm nhấn đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Tuyến đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch-Bắc hồ Linh Đàm (Hà Nội) dài gần 9km cũng được khánh thành và là tuyến đường trên cao đầu tiên của Hà Nội được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Tuyến đường này đạt kỷ lục về tiến độ thi công, hoàn thành trước thời hạn hơn một năm.
Với tổng mức đầu tư cho toàn tuyến hơn 5.500 tỷ đồng, đường vành đai 3 trên cao đã giảm tải đáng kể cho đường vành đai 3, kết nối giao thông nội đô, giao thông liên vùng, tạo điều kiện cho thành phố phát triển về hướng Tây và Tây Nam. Công trình góp phần phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết tai nạn, ùn tắc giao thông của thủ đô.
Cầu vượt tại nút giao Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng là cây cầu vượt nhẹ dài nhất Thủ đô khi đưa vào khai thác đã góp phần giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng và đường Láng.
Cùng với các cây cầu vượt nhẹ khác như cầu vượt Chùa Bộc-Thái Hà-Sơn Tây, Thái Hà-Láng Hạ và Lê Văn Lương-Láng, cầu vượt Nguyễn Chí Thanh-Trần Duy Hưng là giải pháp hiệu quả góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại các điểm nóng giao thông tại Thủ đô.
Bên cạnh các đại lộ, đường cao tốc, các cây cầu vượt sông như Đông Trù, Vĩnh Tuy, Vĩnh Thịnh có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực giao thông, kéo nông thôn lại gần với thành thị và khéo nối các vùng miền.
Cầu Vĩnh Thịnh nối thị xã Sơn Tây với huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc là cầu chính trên tuyến vành đai 5 - tuyến đường sẽ kết nối các đô thị vệ tinh, các khu công nghệ cao, các điểm du lịch, góp phần thúc đẩy giao thương hàng hoá giữa các tỉnh Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và cả nước. Qua đó tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và thu hẹp khoảng cách phát triển của khu vực Tây Bắc so với mặt bằng chung của cả nước.
Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội, trong những năm qua, nhiều công trình giao thông quan trọng do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng như các cầu vượt kết cấu thép, cầu Mỗ Lao, đường Trần Phú-Kim Mã, Quốc lộ 32, Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông… kết hợp với các công trình giao thông trọng điểm Quốc gia do Bộ Giao thông Vận tải và các chủ đầu tư khác thực hiện như cầu Vĩnh Thịnh, cầu Phù Đổng 2, cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, đường 5, đường vành đai ba trên cao, cầu Đông Trù, Đường 5 kéo dài đã làm thay đổi diện mạo, tăng cường năng lực giao thông và giảm ùn tắc trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, các cầu vượt sông trên địa bàn các huyện, thị xã của Thủ đô cũng đã được xây dựng và đưa vào sử dụng như cầu Yến Vĩ, Sơn Đồng, Vãng, Đồng Dài, Phùng Xá... cũng góp phần không nhỏ cải thiện tình hình giao thông tại các khu vực này.
Ông Viện cũng cho biết từ nay đến năm 2020, Hà Nội tiếp tục tập trung cao độ để giải các bài toán giảm tải ách tắc giao thông nội đô bằng hệ thống đường vành đai, đường sắt trên cao, cầu vượt nhẹ và chú trọng vận tải hành khách công cộng. Bên cạnh đó, thành phố sẽ đầu tư hệ thống giao thông kết nối với vùng vành đai, với các tỉnh, thành phố để thông thương về hàng hóa, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi.