Cụ thể, giá dầu Brent giảm 26 xu Mỹ, tương đương 0,4%, xuống còn 70,49 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng hạ 11 xu Mỹ, tương đương 0,2%, được giao dịch ở mức 61,61 USD/thùng.
Giá dầu Brent sắp ghi nhận mức giảm hơn 2% trong tuần này. Mặt hàng dầu ngọt nhẹ WTI cũng đang trên đà trượt dốc gần 2,5% tính chung trong tuần, chứng kiến tuần giảm thứ 2 liên tiếp.
“Giá dầu tiếp tục lao dốc trong phiên này do chịu tác động từ sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng kỷ lục”, ông Mihir Kapadia - giám đốc điều hành của Sun Global Investments, nhận xét.
Báo cáo mới nhất cho thấy sản lượng dầu thô của Mỹ đạt mức kỷ lục 12,3 triệu thùng/ngày vào tuần trước, tăng khoảng 2 triệu thùng/ngày so với năm ngoái. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), xuất khẩu dầu thô của Mỹ đã vượt 3 triệu thùng/ngày lần đầu tiên trong năm nay.
Các thương nhân cho biết, giá “vàng đen” cũng chịu áp lực giảm giá khi Nga bắt đầu gửi dầu sạch qua đường ống dẫn tới Tây Âu sau khi một số quốc gia tuần trước tạm dừng nhập khẩu do phát hiện các chất gây ô nhiễm có thể làm hư hại các thiết bị lọc dầu. Tại Ba Lan, chính phủ nước này đã sử dụng kho dầu dự trữ chiến lược để đảm bảo nguồn cung.
Theo ông Sukrit Vijayakar - giám đốc tư vấn năng lượng Trifecta, các quốc gia tại khu vực Đông Âu cũng đã bảo đảm nguồn cung để bù đắp các lô hàng dầu nhập khẩu từ Nga bị tạm dừng do ô nhiễm.
Các chuyên gia phân tích nhận định tâm lý của giới giao dịch trên thị trường không mấy khả quan khi biện pháp siết chặt lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ Iran của chính quyền Mỹ ảnh hưởng ít hơn so với lo ngại ban đầu.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ áp lên Iran đã gia tăng trong tuần này khi Chính quyền Tổng thống Donald Trump chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, khi mua dầu của Iran. Việc dừng lệnh miễn trừ trừng phạt này chưa gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngay lập tức trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Thị trường vẫn duy trì tâm lý lạc quan trong bối cảnh nguồn dự trữ dầu thô dồi dào của Mỹ cho thấy thị trường được cung ứng đầy đủ.
Sản lượng dầu của Mỹ tăng mạnh đã hạn chế sự gián đoạn nguồn cung do ảnh hưởng từ các biện pháp của Mỹ đối với Iran và Venezuela cùng với việc cắt giảm sản lượng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày của các nước trong và ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thực hiện từ tháng 1.
Erik Norland, chuyên gia kinh tế cao cấp tại sàn giao dịch phái sinh CME Group, đánh giá: “Việc sản lượng dầu của Mỹ tăng tới 130% nhờ cuộc cách mạng dầu đá phiến được thực hiện trong suốt thập kỷ qua đang gây áp lực đối với đà phục hồi của giá dầu”.
Công ty cung cấp thông tin năng lượng Genscape dự báo, dự trữ dầu tại trung tâm Cushing, Oklahoma của Mỹ sẽ tăng khoảng 1,95 triệu thùng trong thời gian từ ngày 26-30/4. Ngoài ra, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2017, tăng khoảng 9,9 triệu thùng, lên 470,6 triệu thùng./.