Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đau đáu với sản phẩm cạnh tranh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là DN thành công trong lĩnh vực xuất khẩu (XK) khi 95% các sản phẩm có mặt ở nhiều nước trên thế giới, nhưng với “người thuyền trưởng chèo lái con tàu chở gốm” Hà Thị Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) lại chưa bao giờ bằng lòng, luôn đau đáu làm ra các sản phẩm đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập sâu rộng…

Nhìn Giám đốc Hà Thị Vinh ở cái tuổi ngoài 60 nhưng vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát, không ai nghĩ bà đã từng trải qua những giai đoạn khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, bằng chiến lược đúng đắn, sự nỗ lực của bản thân, nữ doanh nhân này không chỉ phát triển nghề gốm của quê hương, mà còn đưa sản phẩm gốm Bát Tràng XK ra thế giới.

Từ kinh nghiệm bản thân…

Bà Vinh chia sẻ, kinh nghiệm trong thương trường sẽ tăng dần theo thời gian, nhưng nếu bằng lòng với những gì mình đã có, nghĩa là ta đang dừng lại, vì thỏa mãn chính là kẻ thù trong kinh doanh. Để sản phẩm vươn ra tầm quốc tế, bản thân Quang Vinh luôn phải đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học để cho ra đời những dòng sản phẩm mới, hiện đại phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, hợp lý hóa trong sản xuất để tiết kiệm chi phí đầu vào, mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, nắm vững và hiểu thị trường… mới có thể thành công. Chính vì thế, hiện nay, trên 95% các sản phẩm của Quang Vinh được XK sang nhiều nước trên thế giới, kể cả các thị trường khó tính nhất như Đức, Mỹ, Nhật, Đan Mạch...
Bà Vinh đang giới thiệu sản phẩm tại phòng trưng bày của Công ty. 	Ảnh: Khắc Kiên
Bà Vinh đang giới thiệu sản phẩm tại phòng trưng bày của Công ty. Ảnh: Khắc Kiên
Theo tiết lộ của nữ doanh nhân này, thời gian tới, Công ty tiếp tục tập trung vào thị trường nội địa với dòng hàng gia dụng phù hợp với tâm lý và thẩm mỹ của người Việt Nam, nhằm hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Đồng thời cho rằng, khi hội nhập với việc hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, Quang Vinh sẽ gặp nhiều thuận lợi vì có nguồn nguyên liệu dồi dào trong nước. Bởi, một trong những quy định của các hiệp định thương mại, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bắt buộc phải có nguồn nguyên liệu trong nước hoặc ở các nước nội khối mới được hưởng lợi về thuế quan. Do đó, cùng có nhân công trong nước dồi dào, nhưng ngành gốm sứ lợi thế hơn các ngành khác, nhất là may mặc có tới 90% nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu.

… đến lời khuyên kinh doanh

Từ kinh nghiệm bản thân, bà Vinh cho rằng, điều đầu tiên là các DN cần xây dựng được thương hiệu ngay ở trong nước, nắm được thị trường trong nước, sau đó mới nghĩ đến việc vươn ra thị trường quốc tế. Và điều quan trọng hơn là khi đã xây dựng được thương hiệu, DN phải biết cách bảo vệ được thương hiệu đó bằng cách làm thực chất, bền vững, chứ đừng “đánh bóng”.

Trên cương vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ DN nhỏ và vừa Hà Nội, bà Vinh luôn đau đáu và quan tâm bảo vệ quyền lợi cho các nữ lao động. Bởi, bấy lâu nay chưa bao giờ các tỉnh, thành hướng dẫn để DN có đông lao động nữ được thụ hưởng từ các cơ chế chính sách về thuế, thu nhập DN, mặt bằng, hoặc hỗ trợ về vốn… Chính vì thế, các DN, nhất là ngành may mặc sẽ ngại tuyển lao động nữ vì lo ngại liên quan đến giải quyết nghỉ thai sản, chăm sóc con, lo cho gia đình... ảnh hưởng đến năng suất lao động. “Các DN này sẽ bị đội chi phí khi đổ hết vào đầu sản phẩm, mà đầu sản phẩm có chi phí cao thì làm sao cạnh tranh nổi trên thị trường, nhất là trong quá trình hội nhập sâu rộng” - bà Vinh chia sẻ. Do đó, bà Vinh đề nghị, hàng năm, các tỉnh, thành phải có đánh giá, báo cáo các cấp, các ngành T.Ư nắm bắt, có những điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, cải thiện môi trường kinh doanh thông thoáng nhằm đảm bảo quyền lợi cho DN có đông lao động nữ được thụ hưởng, từ đó tạo sân chơi công bằng để nâng cao sức cạnh tranh.

Đừng để doanh nghiệp tự… bơi
Với những thành tích đạt được, bà Hà Thị Vinh đã dược tặng Giải thưởng Quả cầu vàng năm 2006; Bông hồng vàng Việt Nam năm 2010; Doanh nhân tiêu biểu khu vực Duyên hải phía Bắc năm 2011, một trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2012 và nhiều Bằng khen của T.Ư, TP...

Đó là khẳng định của nữ doanh nhân này qua thực tế XK, cũng như nghiên cứu thị trường các nước. Bà Vinh cho rằng, đừng để DN tự lặn lội, phải có sự chung sức, đồng hành của hệ thống công quyền. Ngay bản thân Quang Vinh dù đã XK có thể nói là thành công nhưng vẫn chưa ghi được dấu ấn Công ty trên sản phẩm của chính mình. Bởi, dù đã cố gắng tạo thương hiệu, nhưng khi XK sang các nước, rõ ràng sản phẩm của Công ty nhưng nhãn mác lại của nhà nhập khẩu. Chỉ ghi xuất xứ từ Việt Nam nên đó là thiệt thòi của nhà sản xuất, của DN trong nước. Theo bà Vinh, nguyên nhân thứ nhất là mình không phải người bản xứ, không thể hiểu được thị hiếu thị trường bằng họ; Thứ hai là vấn đề truyền thông cho sản phẩm trên thị trường đó cũng không đủ điều kiện, có làm cũng chưa đủ mạnh; Thứ ba, những nhà nhập khẩu cũng dày công cho nhiều năm xây dựng hệ thống bán lẻ, thậm chí đời con nối đời cha để làm nên thương hiệu đó.

Do đó, bà Vinh cho rằng, kinh doanh phải cạnh tranh, với nhiều hiệp định thương mại được ký kết, các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa phải hiểu để có sự chuẩn bị cho mình. DN tự biết đâu là thế mạnh của mình để tận dụng cơ hội, đâu là điểm yếu để sẵn sàng đối mặt khó khăn thách thức. Mỗi DN khi đưa sản phẩm sang nước khác cũng phải hiểu thị trường họ cần gì, thị hiếu của họ ra sao, từ đó có những nhận định, đánh giá, qua đó mới định liệu được sản xuất, nhất là tập trung vào phân khúc ngành hàng là thế mạnh của mình, biết liên kết với nhau cùng phát triển trong bối cảnh hội nhập.

"Hà Nội là nơi tập trung nhiều DN, nên tôi mong muốn TP có chiến lược hỗ trợ dài hơi hơn. Nếu mỗi nước có một trung tâm xúc tiến để các DN đưa các sản phẩm chất lượng cao vào giới thiệu quảng bá, chắc chắn hiệu quả và DN sẽ khẳng định được thương hiệu của mình" - bà Vinh nhấn mạnh. Khi xây dựng được các trung tâm xúc tiến, trung tâm thương mại tại các nước, các DN Việt nếu dám đầu tư, đề ra những chiến lược đúng đắn và đưa những sản phẩm chất lượng cao mang tên DN Việt vào để cạnh tranh. Đó thực sự là chiến lược mà các DN cần hỗ trợ, nhất là trong giai đoạn hội nhập sâu rộng.