Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đấu giá thành công cổ phần Thủy điện Hương Sơn

D. Tiêu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Buổi đấu giá diễn ra công khai, minh bạch đã mang lại lợi ích tối đa cho các bên liên quan.

Nhà máy Thủy điện Hương Sơn gồm 2 tổ máy với tổng công suất 33 MW.
Chiều 14/9, tại trụ sở CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đã diễn ra buổi đấu giá cổ phần thuộc sở hữu của Tổng công ty Sông Đà tại CTCP Thuỷ điện Hương Sơn (Mã chứng khoán: GSM).
Các nhà đầu tư có mặt tại buổi đấu giá gồm nhóm nhà đầu tư đại diện bởi ông Lê Thái Hưng, CTCP Sông Đà 11 và CTCP Dịch vụ - Khách sạn Kim Thành.
Cả ba nhà đầu tư trên đều đăng ký mua toàn bộ 15.384.400 cổ phần, tương đương 53,9% vốn điều lệ của Thuỷ điện Hương Sơn mà Tổng công ty Sông Đà chào bán.
Tuy nhiên buổi đấu giá nhanh chóng ngã ngũ khi CTCP Dịch vụ - Khách sạn Kim Thành bỏ giá tới 15.300 cho mỗi cổ phần GSM, vượt xa hai nhà đầu tư còn lại (CTCP Sông Đà 11 bỏ giá 13.819 đồng; nhóm ông Lê Thái Hưng bỏ 13.500 đồng).
Buổi đấu giá diễn ra công khai, minh bạch đã mang lại lợi ích tối đa cho các bên liên quan.
Công ty Kim Thành mua được toàn bộ cổ phần đã đăng ký. Trong khi đó, mức giá gấp rưỡi thị giá trên sàn UpCOM giúp Tổng công ty Sông Đà thu về 235 tỷ đồng. Con số này đặc biệt có ý nghĩa khi mà thành viên Bộ Xây dựng đang đồng thời phải thoái vốn tại một loạt công ty con để tiến hành cổ phần hoá.
Đối với CTCP Thuỷ điện Hương Sơn, cuộc đấu giá thành công đã giúp lựa chọn ra nhà đầu tư chuyên nghiệp và có tiềm lực. Bên cạnh đó cũng thể hiện kinh tế tư nhân đang phát triển theo chủ trương, định hướng của Nghị quyết Trung ương V của Đảng.
Sau khi chuyển nhượng số cổ phần chi phối cho Công ty Kim Thành (53,9%), tỷ lệ sở hữu của Tổng công ty Sông Đà trong Thuỷ điện Hương Sơn giảm còn 3,5%.
Đơn vị sở hữu nhà máy thuỷ điện cùng tên tại Hà Tĩnh còn có một cổ đông lớn khác là Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco), hiện sở hữu 5,64 triệu cổ phần, tương đương 19,75% vốn điều lệ.