Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đấu giá trực tuyến phải bảo mật thông tin

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đấu giá trực tuyến là hình thức cho phép người tham gia đấu giá thực hiện việc trả giá các tài sản thông qua internet (trang thông tin điện tử).

Cách thức này được sử dụng phổ biến tại các nước trên thế giới với nhiều ưu điểm, thuận lợi.

Để đa dạng hóa hình thức đấu giá, đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động hành nghề đấu giá trong tình hình mới, Luật Đấu giá tài sản (có hiệu lực từ 1/7/2017) quy định 4 hình thức đấu giá bao gồm: Đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp và đấu giá trực tuyến. Như vậy, bên cạnh hình thức đấu giá truyền thống thì Luật đã bổ sung hình thức đấu giá trực tuyến nhằm đa dạng hóa hình thức đấu giá, đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động hành nghề đấu giá trong tình hình mới.

Triển khai quy định của Luật Đấu giá tài sản, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản, có hiệu lực từ ngày 1/7/2017. Nghị định áp dụng với tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên, người có tài sản đấu giá, Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý Nhà nước về đấu giá tài sản, cá nhân, tổ chức có liên quan. Thương nhân, tổ chức không phải là tổ chức đấu giá tài sản thiết lập Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này.

Trong Nghị định đã quy định rõ trình tự thực hiện cuộc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến: Tổ chức đấu giá tài sản đăng tải Quy chế cuộc đấu giá trên Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến. Khi đăng ký tham gia đấu giá, người tham gia đấu giá được cấp một tài khoản truy cập; được hướng dẫn về cách sử dụng tài khoản, cách trả giá và các nội dung cần thiết khác trên Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để thực hiện việc đấu giá trực tuyến. Người tham gia đấu giá sử dụng tài khoản của mình và thực hiện việc trả giá theo phương thức đấu giá, thời điểm bắt đầu tiến hành đấu giá và thời điểm kết thúc đấu giá, bước giá đã được công bố.

Tại thời điểm kết thúc cuộc đấu giá, đấu giá viên được tổ chức đấu giá tài sản, thành viên được Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng phân công chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện cuộc đấu giá trực tuyến xác định người trúng đấu giá.

Nghị định cũng quy định cụ thể về thông báo kết quả đấu giá trực tuyến, biên bản thực hiện cuộc đấu giá trực tuyến, điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến, phê duyệt tổ chức đấu giá tài sản đủ điều kiện thực hiện hành thức đấu giá trực tuyến... Đặc biệt, theo quy định của Nghị định mới, tổ chức đấu giá tài sản vận hành Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến, phải bảo mật thông tin về người tham gia đấu giá, tài khoản truy cập trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Bồi thường thiệt hại do lỗi mà tổ chức gây ra trong quá trình vận hành trang thông tin điện tử theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Đại Dân - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Hải Dương cho biết, trên thế giới nhiều nước đã áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến. Ở Việt Nam, với quy định về hình thức đấu giá trực tuyến sẽ giúp hoạt động đấu giá công khai, minh bạch, đồng thời phù hợp với xu thế phát triển công nghệ thông tin như hiện nay. Với ưu điểm vượt trội không bị ràng buộc thời gian, không ràng buộc địa lý; số lượng người đấu giá lớn, đa dạng chắc chắn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác bán đấu giá tài sản.