Ngày 23/5, cuộc bạo loạn tồi tệ nhất trong những năm trở lại đây tại thủ đô Stockholm, Thụy Điển đã bước sang ngày thứ 4. Hàng chục người bị bắt giữ, trong khi thiệt hại về tài sản, niềm tin của người dân Thụy Điển là không thể đong đếm. Bất chấp lời kêu gọi ôn hòa được Thủ tướng Fredrik Reinfeldt phát đi, hơn 100 thanh niên đã tấn công cảnh sát đang tuần tra ở vùng ngoại ô Stockholm cho thấy, sự liều lĩnh, manh động của một thế hệ bị đặt tên là "thất bại" do thất nghiệp triền miên. Trên những con đường cổ kính của một trong những thành phố giàu có bậc nhất châu Âu, hình ảnh những chiếc ô tô bị đốt cháy ngùn ngụt, những ngôi trường yên bình hay trung tâm nghệ thuật tuyệt đẹp bị đập phá... đã gây ra một cú sốc lớn đối với người dân nước này.
Xe ô tô bị đốt trong vụ bạo loạn ở thủ đô Stockholm.Ảnh: Reuters
Khi nguyên nhân của hiện tượng đáng lo ngại này được đưa ra mổ xẻ, rất ít người tin rằng việc một người đàn ông bị cảnh sát tiêu diệt khi có hành vi chống người thi hành công vụ là "ngòi nổ" của vụ bạo loạn trên. Nhiều người cho rằng, vụ bạo loạn đã thể hiện sự bất lực trong những chính sách của Chính phủ Thụy Điển. Nổi bật trong số đó là sự gia tăng tệ nạn xã hội tại các khu nhà ổ chuột ở ngoại ô - nơi những người dân nhập cư phải sống trong tình trạng thất nghiệp, nghèo khổ. Thậm chí, các nhà quan sát còn cảnh báo, các vụ bạo loạn và bạo lực trên là dấu hiệu về một “cơn bão” bất ổn xã hội có thể bao trùm lên lục địa già nếu Chính phủ các quốc gia châu Âu không nhanh chóng tìm ra các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, khắc phục tình trạng thất nghiệp, thu hẹp sự bất công giữa người bản địa và người nhập cư...Trong khi sức nóng của vụ bạo loạn tại Thụy Điển chưa được hạ nhiệt, châu Âu một lần nữa lại rúng động bởi vụ giết người kinh hoàng được cho là có liên quan đến khủng bố ở Anh. Ngày 22/5, không khí yên bình trong giờ trà chiều của người dân London đã bị hủy hoại khi hai tên tội phạm vừa thản nhiên giết người vừa đưa ra những lời lẽ thánh chiến để biện minh cho hành vi man rợ này. Vụ việc này cho thấy, châu Âu không hề yên bình như chúng ta tưởng. Thái độ thù địch của người Hồi giáo với người dân Anh, Pháp và một số nước châu Âu đã gia tăng trong thời gian qua sau khi các nước này có tuyên bố, hành động nhằm tiêu diệt các nhóm Hồi giáo khủng bố trên toàn cầu. Rất có thể đây không phải là sự việc đầu tiên và cũng không phải là vụ việc cuối cùng nếu châu Âu tiếp tục làm "mếch lòng" các nhóm Hồi giáo có tư tưởng thánh chiến cực đoan.