Người có con mắt tinh tường về mỹ thuật không khỏi thốt lên nỗi thất vọng của mình. Những hình vẽ thiếu tay nghề và thẩm mĩ ấy nhanh chóng trở thành một thứ có tên là “rác mĩ thuật”. Phong trào ấy đang lan ra Hà Nội dưới nhiều hình thức khác nhau.
Ta đều biết rằng hơn nửa thế kỷ trước Hà Nội không có quá ba màu vôi quét cho mặt ngoài những con phố. Khu phố cổ thường dùng vôi trắng, khu phố Tây là màu vàng đất. Thỉnh thoảng lắm mới có ngôi nhà trang điểm thêm những vạch vôi nâu trầm dưới chân tường để tránh bùn đất bắn lên khi trời mưa. Cả TP dịu dàng êm đềm trong những sắc màu tinh tế ấy. Ta được sống giữa những sắc màu ấy với hiệu ứng thị giác không thể tốt hơn với điều kiện lúc bấy giờ.Sang đến thời mở cửa kinh tế thị trường, bộ mặt phố phường đổi khác nhiều khi có cảm giác đến mức mất kiểm soát. Người ta không ngần ngại trương những biển hiệu khổ lớn thắp đèn nhấp nháy nhiều màu. Cũng không ngần ngại sơn ngôi nhà của mình một màu nổi bật ra khỏi dãy phố. Màu đỏ cho cửa hàng bán gas, màu đen cho cửa hàng thời trang thể thao, màu nâu sẫm cho nhà hàng bán đồ nướng…
Mỗi thương hiệu lại đua một sắc màu, biển hiệu cửa hàng làm sao cố gắng làm to hơn biển hiệu cửa hàng làm trước để tạo sức chú ý. Hết màu vàng chóe của thương hiệu Thế giới di động ở các ngã tư, ngã ba đường phố, đến màu tối đen, tô điểm đỏ trắng của thương hiệu FPT, hay các biển “quá khổ” của các siêu thị Trần Anh, Nguyễn Kim… Tiếp đến, vào mỗi dịp lễ, Tết, dân phố buộc phải rèn luyện thị giác của mình để làm quen với những hoa hoét cổng chào chăng rợp phố. Điều đáng buồn là tính thẩm mĩ của những trang điểm phố phường này đều ở mức độ rất thấp nếu như không muốn nói nó mang đầy màu sắc tuỳ tiện.Ta thấy một sáng kiến vẽ bích họa được thực hiện trong khu vực Chùa Láng và những ngôi nhà tập thể thuộc Trường cán bộ phụ nữ T.Ư. Lần này thì là sáng kiến của một cư dân sở tại mong muốn tô điểm cho nơi mình sống thoát khỏi màu vôi tường cũ kĩ mốc meo. Mong muốn ấy là chính đáng. Thế nhưng thực hiện nó bằng tranh tường để che đi những mốc meo xấu xí thì lại đặt ra nhiều hơn một vấn đề. Đó là phải cải tạo, trát vữa vá lại những chỗ bong tróc để làm nền cho bức vẽ. Nếu chỉ để cải tạo một bức tường cho sạch đẹp thì công việc đến đây coi như đã hoàn tất.
Tiếp đến, người vẽ là yếu tố quan trọng nhất của một bức tranh thì cũng được chọn lựa chưa thỏa đáng. Kết quả là ta có những bức tranh tường non nớt về tay nghề tạo hình. Nó rất giống với dòng tranh hơn nửa thế kỉ trước được bày bán với giá chỉ vài hào. Nội dung của những bức tranh này cũng đề cập đến hình ảnh của ngôi làng Láng xưa một cách hết sức tự nhiên. Chợt nhớ Hà Nội vốn là những ngôi làng xưa hợp lại. Nếu cứ theo tư duy này thì những làng Thể Giao, Vũ Thạch, Thọ Xương, Bảo Khánh… sẽ phải vẽ những gì lên tường?Trào lưu làm tranh 3D cho các bức tường rêu mốc lại len lỏi vào các con ngõ nhỏ ở đường Yên Phụ, hay khu tập thể Kim Mã. Người ta vẽ lên đó đủ sắc màu, nội dung theo cảm hứng. Nơi chọn vẽ TP Paris nước Pháp, TP Roma của Italia; nơi lại chọn cảnh non nước làng quê ở các miền trên lãnh thổ Việt Nam.
Vài năm trước dân phố đã phát phiền về những hình vẽ graffiti của đám thanh niên nghịch ngợm - một thứ học được từ phim ảnh sách vở nước ngoài. Nhiều gia đình vừa mất hàng tháng trời sửa chữa sơn tường ngôi nhà mình xong đã lập tức trở thành nạn nhân của hình vẽ graffiti chỉ trong một đêm. Không thể nói những hình vẽ này không chứa đựng sức biểu cảm và một tay nghề không đến nỗi nào. Tuy nhiên chúng cũng nhanh chóng trở thành một thứ rác mĩ thuật gây nhiều bức bối cho dân phố.Đã đến lúc TP cần có những bộ phận chuyên môn quản lý việc trang trí bộ mặt của mình. Thủ đô là nơi tập trung nhiều nhất những chuyên gia giỏi của cả nước không lẽ để người dân phải phiền lòng về những trang điểm mà mình không mong muốn.