Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đâu là mô hình bền vững?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - V - League 2015 chuẩn bị khai cuộc, và vấn đề được nhiều người quan tâm nhất hiện nay là các đội bóng sẽ lấy đâu ra tiền để chi dùng cho cả mùa giải.

 Hỏi như vậy là bởi, giải đấu đã từng chứng kiến nhiều đội bóng bỏ cuộc giữa chừng vì hết tiền. Từ đó, người ta đặt ra câu hỏi: Đâu là mô hình bền vững nhất cho các đội bóng ở thời điểm hiện tại?

Nhìn bầu Đức mà thèm…

VFF quy định, chi phí tối thiểu mà các đội bóng dự V - League cần phải có để duy trì đội bóng cũng như hệ thống đào tạo trẻ là 35 tỷ đồng. Con số này ở giải hạng Nhất là 15 tỷ đồng. Tiêu chuẩn về tài chính của VFF đã giảm đáng kể so với một năm trước (tương ứng với mức 50 tỷ đồng và 35 tỷ đồng).
Đâu là mô hình bền vững? - Ảnh 1
Với tiêu chí tài chính mà VFF đưa ra thì hầu như chỉ có HAGL và Bình Dương là có thể cân bằng được về tài chính. Tiềm lực của Bình Dương là không thể bàn cãi, bởi đứng sau họ là một tập đoàn lớn với một ông bầu năng động, luôn biết tận dụng lợi thế nhằm đem đến nguồn thu ổn định cho đội bóng. Thế nhưng, HAGL với chiến lược làm bóng đá của mình mang đến hướng đi khác, một hình ảnh khác cho V - League. Họ không sử dụng cơ chế và đặc ân của địa phương nhằm khơi thông nguồn tài chính, mà dùng sức hấp dẫn của chính mình nhằm tạo ra kinh phí dồi dào.

Người ta tính rằng, bầu Đức có thể thu được khoảng 25 - 30 tỷ đồng từ tiền bán vé lẫn tài trợ, quảng cáo trong mùa giải mới. Với một quỹ lương rất thấp do các cầu thủ trẻ của bầu Đức chỉ nhận khoản bồi dưỡng vừa phải hàng tháng, HAGL vẫn còn dư tiền để chi cho công tác đào tạo trẻ. Bầu Đức còn thẳng thắn nói rằng, với quy mô hiện tại của V - League, việc một đội bóng chi 35 - 50 tỷ đồng một mùa giải là ảo và không cần thiết. Và cho biết, sẽ chứng minh điều này bằng chính hoạt động của HAGL.

… nhưng chưa thể làm theo HAGL

Nhìn bầu Đức hốt bạc từ lứa cầu thủ trẻ, nhiều đội bóng phát thèm. Bởi trong khi họ phải vật lộn nhằm tìm kiếm đối tác tài trợ thì các doanh nhân lại hào hứng chạy đến với bầu Đức. Những bản hợp đồng mà bầu Đức kiếm được cũng vô cùng ấn tượng về giá trị và nhất là nó chưa có dấu hiệu dừng lại.

Quá nể khả năng kiếm tiền của HAGL nhưng lúc này, các đội bóng ở V - League chưa thể làm theo. HAGL không chỉ thành công trong việc đào tạo ra một lứa cầu thủ quá lấp lánh mà còn biết cách đẩy họ lên thành những thương hiệu có thể mang đến nguồn tiền cho đội bóng. Đào tạo, truyền thông, đây là những vấn đề mà nhiều đội bóng chưa thực sự quan tâm. Họ mới chỉ tư duy phát triển ở một giai đoạn ngắn chứ chưa định hình một chiến lược bài bản hướng đến tương lai.

Không thể đi theo HAGL thì phải tìm cho mình được mô hình phù hợp để phát triển. Đánh giá sức mua và sự chi dùng về tài chính trong thời gian gần đây, dư luận cho rằng, mô hình của Thanh Hóa và Quảng Ninh đang được cho là chuẩn nhất. Các đội bóng này không dựa hết vào một nhà tài trợ và đó chính là yếu tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững, mạnh mẽ. Bởi, một ông bầu dù hào phóng đến đâu nhưng khi gặp khó khăn về tài chính, vẫn có thể bỏ bóng đá. Và nếu lãnh đạo tỉnh không còn yêu bóng đá, họ sẽ cảm thấy gánh nặng với khoản chi hàng chục tỷ đồng. Vì vậy, chia sẻ gánh nặng tài chính cho nhiều cổ đông chính là mô hình được cho là phù hợp nhất không chỉ bây giờ, mà cả cho tương lai sau này.