Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dẫu muốn cũng không dám

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ đang phải ngậm trái đắng ở Iraq và những gì đang xảy ra tại đây là một trong những kịch bản có thể xảy ra ở Afghanistan khi quân đội Mỹ rút hoàn toàn.

Ở Iraq, lực lượng phiến quân Hồi giáo đã trỗi dậy mạnh mẽ đến mức đủ để tiến hành nội chiến với chính phủ và trở thành thách thức thật sự đối với lực lượng an ninh của chính quyền.

Nếu không có sự trợ giúp quân sự và tài chính trực tiếp cũng như gián tiếp của Mỹ và những đồng minh khác, chính phủ Iraq chắc không thắng nổi lực lượng phiến quân. Lực lượng ấy cũng chưa thể nhanh chóng lật đổ được chính thể ở Iraq nhưng có lẽ sẽ đạt được mục tiêu này theo thời gian.

Đó chính là tình thế vừa khó xử vừa khó khăn của Mỹ ở Iraq. Năm 2011, Mỹ đã rút quân khỏi đây mà không có bất kỳ thỏa thuận nào với chính phủ Iraq về hợp tác quân sự, an ninh ở thời hậu chiến. Tổng thống Mỹ Barack Obama vốn không phát động cuộc chiến tranh này nhưng đã vội vã kết thúc nó để thực hiện cam kết tranh cử. Bây giờ, vị tổng thống này bị chê trách là đã rút quân quá vội vàng và không có chiến lược phù hợp cho thời hậu chiến. Ông Obama đã không có sự lựa chọn nào khác khi phải thực hiện cam kết tranh cử là rút quân và khi chính phủ Iraq hối thúc Mỹ rút đi càng sớm càng tốt và không ký với Mỹ thỏa thuận về hợp tác quân sự và an ninh cho thời hậu chiến.

Tổng thống Obama đã loại bỏ khả năng Mỹ lại đưa quân đội đến Iraq để cứu chính phủ nước này. Dẫu có muốn, ông Obama cũng không dám bởi nguy cơ sa lầy ở đây rất cao và người Mỹ đã quá mệt mỏi với những cuộc chiến tranh ở nước ngoài.

Bởi thế, Mỹ sẽ chọn cách hậu thuẫn trực tiếp chính phủ Iraq nhưng lại chỉ can thiệp quân sự gián tiếp vào tình hình Iraq, không đưa quân trở lại để giao tranh trên bộ. Cái lợi duy nhất đối với Mỹ ở chuyện này là cơ hội gây áp lực để buộc chính phủ Iraq phải nhượng bộ cho những đòi hỏi của mình.