Đầu năm, doanh nghiệp nhộn nhịp đổ bộ Upcom

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ trong vòng hơn một tuần đầu năm mới, hàng loạt DN lớn với giá trị vốn hóa tỷ đô đã cùng niêm yết trên sàn Upcom.

Nhiều hàng tốt lên sàn, thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết này được kỳ vọng là sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn, là kênh tập duyệt để các DN chuẩn bị hành trang vững vàng trước khi niêm yết.
 Ngày 9/1, hơn 710,6 triệu cổ phiếu của 5 DN gồm Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (MCK: VIB), CTCP Đầu tư Phát triển Sài Gòn Co.op (MCK: SID), CTCP Cấp nước Điện Biên (MCK: DBW), CTCP Thiết bị điện Cẩm Phả (MCK: VEE) và CTCP Tư vấn Xây dựng Công nghiệp và Đô thị Việt Nam (MCK: CCV) đã chính thức giao dịch trên sàn Upcom với tổng giá trị đăng ký giao dịch lên tới hơn 7.106,5 tỷ đồng. Trước đó, các “tân binh” gồm Vietnam Airlines, Vinatex, CTCP Chế tạo Điện cơ Hà Nội, CTCP Licogi 12, CTCP Hàng tiêu dùng Masan (MCK: MCH), CTCP ICD Tân Cảng Sóng thần (MCK: IST)… cũng dắt tay nhau đổ bộ Upcom.
Những tác động tích cực về chính sách cổ phần hóa (CPH) DN Nhà nước (DNNN) gắn với đăng ký giao dịch và các quy định mới về chế tài xử phạt trên thị trường chứng khoán được coi là nguyên nhân khiến thị trường Upcom tăng vọt cả về số lượng DN và quy mô giao dịch. Bên cạnh đó, từ ngày 15/12/2016-Nghị định 145/2016/NĐ-CP xác định mức phạt cụ thể đối với các DN chậm lên sàn có hiệu lực. Theo đó, DN vi phạm sẽ bị phạt tiền theo 6 mức khác nhau dựa theo thời gian chậm niêm yết/đăng ký giao dịch. Mức thấp nhất là từ 10 - 30 triệu đồng khi chậm thực hiện đến một tháng và cao nhất là 300 - 400 triệu đồng đối với hành vi niêm yết/đăng ký giao dịch quá thời hạn trên 12 tháng. Chế tài xử phạt nói trên cũng chính là nguyên nhân khiến lượng DN ồ ạt nộp hồ sơ lên Upcom trong những tháng cuối năm 2016.
Đây được coi là “cú hích” lớn khiến các DN cấp tập lên sàn trong cuối năm 2016 và đầu 2017. Có thể thấy, với các quy định nghiêm khắc, việc “thúc” DN lên sàn, minh bạch hóa các chỉ tiêu tài chính đã có hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, khi con số DN lên Upcom vượt ngưỡng 400 DN, số lượng DN và quy mô vốn hóa thị trường ngày càng lớn, thị trường Upcom đã tiến tới một giai đoạn mới với yêu cầu cao hơn về hiệu quả hoạt động. Vì thế, giới đầu tư cho rằng, nếu thanh khoản không được cải thiện, dòng tiền không chảy trên thị trường thì cổ phiếu “khủng” lên sàn cũng chỉ là động tác đối phó mà thôi. “Chúng ta hãy làm tốt việc tạo hàng, quản lý, giám sát và nâng cao chất lượng hàng hóa cho thị trường, thì ắt hẳn thanh khoản của thị trường từ đó cũng sẽ tăng lên”- Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) Nguyễn Thành Long nhấn mạnh.