Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đầu ra cho ngành cơ khí Việt Nam: Bao giờ hết loay hoay?

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cũng như DN ngành cơ khí cần xác định chính xác nhu cầu thị trường, qua đó định hướng phát triển những lĩnh vực mà ngành cơ khí Việt Nam có thể cạnh tranh được.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng giới thiệu sản phẩm ngành cơ khí Việt Nam.
Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại “Hội nghị chuyên đề về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí”, diễn ra sáng 24/9.
Mới đáp ứng được 32% nhu cầu
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hiện số lượng DN cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh là khoảng 25.014 DN, chiếm gần 30% tổng số DN ngành công nghiệp chế biến chế tạo; với doanh thu thuần hoạt động sản xuất, kinh doanh là 1.465.008 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngành cơ khí mới đáp ứng được khoảng 32% nhu cầu trong nước, trong khi từ năm 2010 đã đề ra mục tiêu đáp ứng được 45 - 50% nhu cầu.
Thời gian tới, phải từng bước phát triển được nền công nghiệp cơ khí hiện đại, làm nền tảng cho các ngành sản xuất công nghiệp - dịch vụ khác. Đồng thời, ngành cơ khí Việt Nam phải phát triển với các sản phẩm có chất lượng, chi phí sản xuất thấp, sức cạnh tranh cao để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của tất cả các DN, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học...
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng
Lý giải về thực trạng này, Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) Đào Phan Long cho rằng, sau 20 năm phát triển, trình độ công nghệ, thiết bị sản xuất cơ khí của Việt Nam vẫn còn lạc hậu so với thế giới, hàm lượng giá trị gia tăng nội địa tạo ra trong ngành cơ khí rất hạn chế. Đặc biệt, các DN cơ khí có thiết bị gia công điều khiển số (PLC, CNC,…) chỉ chiếm tỷ trọng 15% và những thiết bị này chưa phát huy hết tác dụng do phần lớn các DN cơ khí chưa sẵn sàng cho việc ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất. “Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có các DN cơ khí mang tầm cỡ khu vực và quốc tế đóng vai trò dẫn dắt ngành. Công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm phần lớn phụ thuộc vào các hãng nước ngoài” - ông Đào Phan Long nêu rõ.
Phân tích thêm về những nguyên nhân hạn chế của công nghiệp cơ khí Việt Nam, ông Nguyễn Chỉ Sáng - Tổng Thư ký VAMI chia sẻ, sản phẩm cơ khí Việt Nam có rất ít thương hiệu trong nước. Các DN cơ khí Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ, có năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí. Chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành sản phẩm cao, tính cạnh tranh của sản phẩm kém, gần như chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực trong ngành cơ khí đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
Sẽ có nghị quyết tốt cho ngành cơ khí
Bộ Công Thương đặt mục tiêu, giai đoạn đến năm 2020, sản lượng xuất khẩu đạt 35% tổng sản lượng ngành cơ khí, giai đoạn đến năm 2030 đạt 40%. Đến năm 2035, đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí.
Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh sự nỗ lực cố gắng từ phía DN ngành cơ khí còn đòi hỏi sự hỗ trợ của Nhà nước. Tại hội nghị, các DN cơ khí có chung kiến nghị: Nhà nước cần có chính sách đặc thù để đầu tư phát triển công nghiệp cơ khí quốc gia. Trước hết, Chính phủ xem xét sửa đổi bổ sung một số cơ chế chính sách để xây dựng và bảo vệ thị trường nội địa của cơ khí trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Cụ thể, bổ sung chính sách và biện pháp kiểm soát tối đa việc cho nhập khẩu máy, dây chuyền công nghệ sản xuất đã qua sử dụng để bảo vệ sản xuất nội địa.

Trình độ cơ khí chế tạo, đặc biệt là cơ khí chính xác của Việt Nam còn lạc hậu so với nhiều nước từ 2 đến 3 thế hệ. Các DN cơ khí của Việt Nam hầu hết chưa làm chủ được công nghệ nguồn, thiếu máy móc chuyên dụng phục vụ chuyên môn hóa sản xuất. Hàm lượng giá trị gia tăng nội địa tạo ra trong ngành cơ khí còn rất hạn chế.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải Trần Bá Dương

Đồng tình với kiến nghị này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ cần ban hành Nghị quyết về việc phát triển công nghiệp cơ khí, trong đó trọng tâm là hoàn thiện các chính sách đủ mạnh, tạo cú hích nhằm phát triển ngành cơ khí như: Xác định ngành, sản phẩm cơ khí trọng điểm ưu tiên phát triển; giải quyết các vướng mắc về thị trường tiêu thụ, vốn vay và cơ chế hỗ trợ công nghệ. Để khuyến khích phát triển ngành cơ khí, Chính phủ nên xây dựng chính sách ưu tiên thuế, tín dụng, cơ chế đặt hàng sản phẩm cơ khí, kể cả đối với sản phẩm quốc phòng, xây dựng hàng rào kỹ thuật hạn chế nhập khẩu sản phẩm cơ khí. Bên cạnh đó, thúc đẩy liên kết các DN cơ khí với nhau và với các viện nghiên cứu, trường đại học.
Trước những kiến nghị của DN, cơ quan quản lý, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế chính sách đủ mạnh, tạo dựng thị trường hỗ trợ DN cơ khí phát triển, chỉ rõ những khoảng trống và những lĩnh vực mà ngành cơ khí Việt Nam có tiềm năng phát triển đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” thông qua việc nghiên cứu sửa đổi các quy định đấu thầu; xây dựng chính sách khuyến khích DN tiếp cận công nghệ tiên tiến, công nghiệp 4.0, đào tạo nguồn nhân lực.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, Bộ Công Thương xây dựng Nghị quyết Chính phủ về tầm nhìn 2025 - 2030. Theo đó, các bộ, ngành có tầm nhìn về chính sách, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống gian lận thương mại, buôn lậu nhập khẩu thiết bị cơ khí đã qua sử dụng. Bộ KH&ĐT hoàn thiện các quy định pháp lý trong chính sách đấu thầu các dự án liên quan đến ngành cơ khí; chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào phát triển ngành cơ khí.