Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đầu ra đại học “made in Việt Nam”: Tìm hướng ra biển lớn

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Khi nào chất lượng cử nhân Việt Nam được quốc tế công nhận rộng rãi” sẽ luôn là một câu hỏi đầy thách thức đối với ngành giáo dục. Để từng bước hiện thực hoá mục tiêu trên, ASEAN đang là thị trường được các bộ, ngành hướng tới.

Bắt đầu “tấn công” thị trường ASEAN
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, việc xây dựng chuẩn đầu ra cho các trường đại học (ĐH) tại Việt Nam luôn là vấn đề đau đáu của ngành GD&ĐT, đặc biệt trong xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay. Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF) cho giáo dục ĐH là những chuẩn mực tối thiểu, là bộ tiêu chí với khối lượng, chuẩn đầu ra, yêu cầu kiến thức, kỹ năng, thái độ… tiệm cận chuẩn của các nước trong khu vực và thế giới; phù hợp yêu cầu từng lĩnh vực ngành nghề. Việc xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo (CTĐT) cho các ngành/khối ngành sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng của Việt Nam.
Trao đổi về những điểm mới của VQF, ông Phúc cho biết, chương trình khung yêu cầu chặt chẽ về tên môn, số tín chỉ… còn VQF sẽ ban hành chuẩn CTĐT tiếp cận theo chuẩn đầu ra, căn cứ vào yêu cầu của thị trường và sẽ do các trường, hiệp hội, người sử dụng lao động tham gia xây dựng. Chuẩn CTĐT mới sẽ tạo điều kiện cho sự linh hoạt, sáng tạo, đặc sắc của từng trường nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, chuẩn đầu ra chung và hội nhập với các nước.
 Sinh viên đại học Sư phạm Hà Nội trong giờ thực hành tại phòng thí nghiệm.Ảnh: Công Hùng
Hai yếu tố mấu chốt là cơ sở để xây dựng chuẩn CTĐT, giúp giải quyết tình trạng sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc và thị trường lao động không tìm được nhân sự phù hợp. Trước hết, đó là thực tiễn đất nước và thị trường lao động đối với vị trí việc làm. Các trường, hiệp hội, đơn vị sử dụng lao động, cộng đồng nói chung sẽ góp ý để thống nhất chuẩn đầu ra cho ngành/khối ngành. Căn cứ thứ hai là hội nhập thế giới, giúp chuẩn CTĐT phù hợp khi so với các nước ASEAN và mặt bằng chung thế giới. “Nếu các nước ASEAN tham chiếu vào chuẩn CTĐT này, sẽ có sự tương đồng và bằng cấp của Việt Nam được công nhận” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc kỳ vọng.
Y tế tiên phong xây dựng chuẩn đào tạo
Theo Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng Khung trình độ quốc gia, hướng đến thúc đẩy công nhận lẫn nhau cũng như dịch chuyển lao động trên thế giới.
Trong tiến trình hội nhập, Việt Nam cần đào tạo nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh bình đẳng với các nước trong khu vực và trên thế giới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, cần sự phối hợp, chung sức của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là những bộ, ngành có các chương trình đào tạo đặc thù như sức khỏe, văn hóa nghệ thuật thể thao, du lịch, công an, quốc phòng.
PGS.TS Lê Đông Phương - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, điều quan trọng nhất là cần xâu chuỗi, tạo hệ thống bài bản cho chuẩn CTĐT các trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. “Đây là cơ hội đặt lại vị trí các trình độ, thành công phụ thuộc rất nhiều vào chuyên gia đầu ngành và chủ sở hữu lao động” - PGS.TS Lê Đông Phương khẳng định.
Nhất trí quan điểm cần có tầm nhìn xuyên suốt giữa các trình độ, ông Phạm Văn Tác - Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế đánh giá cao tinh thần triển khai kế hoạch của Bộ GD&ĐT và sự cần thiết ban hành khung CTĐT nhằm kiểm soát chất lượng và được quốc tế công nhận. Ông Tác cho biết thêm, sắp tới sẽ có kỳ thi tuyển cấp chứng chỉ nghề theo năng lực, để thêm “hàng rào” kiểm soát chất lượng. Theo đó, sau này, sẽ có hai “cửa” để kiểm soát chất lượng y bác sĩ, đó là chuẩn CTĐT và chứng chỉ hành nghề của Bộ Y tế.

Hiện, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành dự thảo Thông tư về chuẩn CTĐT, dự kiến ban hành khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9. Sau khi ban hành Thông tư, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành thành lập các hội đồng tư vấn ngành/khối ngành để xây dựng các CTĐT cụ thể cho các ngành/khối ngành đó.