Vậy nhưng, gió đã xoay chiều, lâu lắm rồi 2 lò đào tạo trứ danh này đã bị loại khỏi đường đua ở sân chơi trẻ.
Có thời, người ta từng ví von về sự hùng mạnh của bóng đá trẻ SLNA như thế này: “Bao giờ nước sông Lam cạn, bóng đá trẻ Nghệ An mới hết nhân tài”. Lớp anh lớn ra đi, lớp em trẻ nhanh chóng thế chân. Thậm chí, có thời điểm lớp đàn anh đang ở đỉnh cao nhưng lớp cầu thủ trẻ đã ra lò. Ban lãnh đạo đội bóng đã phải thực hiện chính sách chuyển nhượng linh hoạt khi bán những cầu thủ lớn tuổi để có chỗ cho cầu thủ trẻ và cũng để tăng nguồn thu.
Giờ thì khác, các cầu thủ SLNA vẫn tiếp tục ra đi khi hết hợp đồng với đội bóng, nhưng ban lãnh đạo không thu được tiền chuyển nhượng. Và bi kịch hơn là các cầu thủ trẻ không đủ tài năng để khiến người ta quên đi những đàn anh ra đi theo tiếng gọi kim tiền.Đã lâu lắm rồi bóng đá trẻ Nghệ An, Đồng Tháp không có được chức vô địch ở các giải U11, U13, U15 quốc gia. Lý giải cho thất bại này là do họ bị các trung tâm mạnh như HAGL, Viettel, Hà Nội, PVF cạnh tranh một cách quyết liệt. Thậm chí, các thế lực mới còn cài cắm chuyên gia tuyển chọn thường trú ở Nghệ An, Đồng Tháp nhằm tìm kiếm cầu thủ giỏi. Họ sẵn sàng trả tiền để có được những viên ngọc thô và khi ấy, SLNA, Đồng Tháp đã thua ngay trên sân nhà.Bóng đá là tiền. Tiền cần không chỉ cho sân chơi V.League mà ngay ở cấp độ trẻ, nó vẫn có tác động lớn đến sự lựa chọn của cầu thủ trẻ và gia đình của họ. Và nếu không có những giải pháp mạnh, những thương hiệu đình đám một thời sẽ mai một, thậm chí biến mất trên bản đồ bóng đá trẻ.