KTĐT - "Giá vàng hiện đang tăng đột biến, thị trường chứng khoán lại lên xuống thất thường, các kênh đầu tư khác, đặc biệt là kênh đầu tư về ngoại tệ cũng thất thường, chỉ có kênh BĐS nhiều người cho rằng sẽ khá an toàn và chắc chắn vào thời điểm này"
Đây là nhận định của ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội.
Theo nhận định riêng của ông, thị trường BĐS từ nay đến cuối năm liệu có xảy ra “cơn sốt’ nào không?
Tôi nghĩ không phải tất cả thị trường BĐS đều “nóng” mà có những chỗ vẫn sẽ tiếp tục đóng băng, tuy nhiên cũng có những địa điểm sẽ vẫn “sốt” nóng tuỳ thuộc vào vị trí của từng dự án BĐS.
Trong khi các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, ngoại tệ đều thất thường. Vậy đầu tư vào BĐS sẽ an toàn hơn, thưa ông?
Giá vàng hiện đang tăng đột biến, thị trường chứng khoán lại lên xuống thất thường, các kênh đầu tư khác, đặc biệt là kênh đầu tư về ngoại tệ cũng thất thường, chỉ có kênh BĐS nhiều người cho rằng sẽ khá an toàn và chắc chắn vào thời điểm này.
Nhiều người hy vọng thị trường BĐS sẽ khởi động lại sau 1 thời kỳ im ắng, tuy nhiên khởi động như thế nao còn là câu hỏi lớn liên quan đến việc Chính phủ sẽ phê duyệt Đồ án Quy hoạch xây dựng Hà Nội mở rộng vì hiện nay mới chỉ là quy hoạch chung chứ chưa có quy hoạch chi tiết.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về thị trường BĐS phía Đông của Hà Nội?
Hiện nay tất cả mọi người đều nghĩ đến việc kết nối Hà Nội theo hướng đa cực. Vì vậy theo tôi phía Đông cũng có rất nhiều cơ hội đang mở ra, cụ thể là đường Lê Văn Lương đã kết nối và mở rộng với các đường vành đai 3, 4, cộng với việc thông cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì bắc qua sông Hồng...
Đây chính là những điều kiện rất thuận lợi để kết nối các khu vực với nhau, vì thế không có lý gì nhà đầu tư lại không nghĩ đến việc đầu tư khu vực phía Đông. Tôi nghĩ khu vực phía Đông sẽ là kênh của nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp vì khu vực này phát triển rất rõ nét về quy hoach hơn là khu vực phía Tây.
Hiện nay, giá BĐS sản ở Hà Nội được đánh giá là đã “mềm”, là thời điểm của những người có nhu cầu thực. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Có thể nói, giá BĐS ở Hà Nội hiện nay có thể đã đến “đáy” của thị trường rồi, đây cũng là thời điểm để người có nhu cầu thực dễ dàng tiếp cận được với sản phẩm gần nhất, so với giá gốc và giá của nhà đầu tư thì đã có sự thay đổi. Có thể đây sẽ là đòn bẩy giúp thị trường BĐS “nóng” lên trong thời gian tới.
Liệu có phải Nghị định 71 ra đời có những ảnh hưởng mạnh tới thị trường BĐS hay không thưa ông?
Tôi nghĩ Nghị định 71 ra đời rất đúng lúc, đương nhiên nghị định này sẽ ảnh hưởng tới các nhà đầu tư thứ phát bởi lẽ khi chưa có Nghị định này thì nhà đầu tư thứ phát chính là “mũi nhọn” chủ yếu cung cấp về tài chính để cho nhà đầu tư cấp 1 song hành và hoàn chỉnh công trình hay dự án.
Tuy nhiên Nghị định 71 cũng đã có những quy định chặt chẽ, đó là gắn chặt trách nhiệm của chủ đầu tư cấp 1 từ đầu cho tới khi hoàn thành dự án, khi người dân trực tiếp mua nhà chứ không phải qua chủ đầu tư thứ phát nữa. Điều này chứng tỏ rằng chủ đầu tư không thể “bán lúa non” được nữa.
Một thực tế hiện nay là doanh nghiệp nội kêu thị trường BĐS trầm lắng không bán được hàng, tuy nhiên các doanh nghiệp nước ngoài lại cho rằng thị trường BĐS Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng. Xin ông cho biết vì sao có sự mâu thuẫn này?
Mặc dù các chủ đầu tư trong nước cho rằng thị trường rơi vào trầm lắng, tuy nhiên các nhà đầu tư nước ngoài vẫn vào Việt Nam để quảng cáo, giới thiệu dự án của họ cho người Việt như Mỹ, Anh...
Điều này có nghĩa là doanh nghiệp nước ngoài vẫn nhìn nhận tiềm năng về tài chính của người dân Việt Nam còn rất lớn.
Xin cảm ơn ông!