Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đầu tư nâng chất lượng y tế, hệ thống sơ cấp cứu: Giảm thiểu những đau thương

Đại úy Đặng Hồng Giang (Đội phó Đội CSGT số 5, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội)
Chia sẻ Zalo

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, mỗi ngày trôi qua, trên toàn quốc lại có 24 người “ra khỏi nhà những mãi không trở về” và khoảng 60 người mang thương tật suốt đời.

Thế nhưng, theo nhiều y bác sĩ, trong những mất mát trên có nhiều trường hợp là nạn nhân của sự thiếu hiểu biết.
Chết do người khác thiếu hiểu biết
Theo thống kê của Liên Hợp quốc, mỗi ngày trôi qua, trên thế giới lại có hơn 3.400 người tử vong do TNGT, và phần lớn trong số những người tử vong là những thanh niên chỉ vừa mới bắt đầu cuộc sống của người trưởng thành. Cũng theo thống kê của Liên Hợp quốc, có đến 90% vụ TNGT đường bộ có trường hợp tử vong xảy ra ở các nước có mức thu nhập trung bình và thấp, những nơi hệ thống y tế, kiến thức sơ cấp cứu của người dân còn nhiều lạc hậu.
Tại Việt Nam, mặc dù những năm qua, tình hình trật tự ATGT đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, số người chết và thương vong do TNGT vẫn là một vấn nạn lớn đối với toàn xã hội. Theo GS. TS Trần Bình Giang – Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, những tổn thất mà TNGT gây ra hoàn toàn có thể giảm nếu chất lượng y tế, hệ thống sơ cấp cứu ban đầu được nâng cao. Cụ thể, theo thống kê của Bệnh viện Việt Đức, trong tổng số các bệnh nhân được chuyển đến có tới 50% nạn nhân không được sơ cứu ban đầu, hoặc sơ cứu không đúng cách khiến các vết thương càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Diễn tập sơ cứu người bị tai nạn giao thông do Hội Chữ thập đỏ tổ chức. Ảnh: Trần Anh

Theo GS. TS Trần Bình Giang, rất nhiều trường hợp chỉ đơn giản là gãy chân nhưng do nạn nhân không được sơ cứu đúng cách nên cuối cùng buộc phải cắt cả chân do bị hoại tử. Ngoài ra, nhiều trường hợp bị tổn thương nhẹ ở đốt sống cổ, nhưng người xung quanh lại bế xốc nạn nhân lên làm đứt tủy sống, dẫn đến tử vong tức thì hoặc bị liệt cơ hô hấp, liệt tứ chi không thể phục hồi.
Lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến số người chết oan do TNGT tăng cao chính là sự lạc hậu, thiếu thốn của các trang thiết bị cấp cứu cần thiết. “Nhiều trường hợp bị chấn thương sọ não nhưng nếu có máy thở, được cung cấp đầy đủ ô xi ngay từ đầu thì khả năng bình phục sẽ cao hơn. Tuy nhiên, do các trang bị chưa đầy đủ, nạn nhân cứ bị lật đi lật lại, trở đi chở lại từ xã lên huyện, từ huyện lên tỉnh, rồi lại lên T.Ư khiến nhiều nạn nhân không qua khỏi” – GS. TS Trần Bình Giang chia sẻ.
Xóa mù kiến thức sơ cứu thương
Đồng quan điểm với ông Trần Bình Giang, một số chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, khi chứng kiến các vụ TNGT, dù họ thực lòng muốn làm điều gì đó cho nạn nhân nhung cũng không dám làm. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức, bên cạnh những trường hợp “lực bất tòng tâm” thì vẫn có nhiều người chỉ vì sợ bị mất đồ đạc, sợ bị hiểu nhầm là người gây tai nạn, đặc biệt là sợ việc phải ở lại hiện trường để lấy lời khai… nên đành bấm bụng lờ đi trước tai nạn. Do đó, để giảm thiểu những thương vong không đáng có do TNGT, các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác phổ biến kiến thức, huấn luyện sơ cấp cứu ban đầu cho người dân sống các tuyến đường QL, đặc biệt là đội ngũ lái xe. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng nên khôi phục lại biện pháp phát miễn phí sổ tay kiến thức sơ cấp cứu TNGT cho người dân như điều chúng ta đã làm được trong những năm tháng chiến tranh.
Trước đó, phát biểu tại lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT trên thế giới, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki – moo cho rằng, đã đến thời điểm chính quyền các quốc gia cần đẩy mạnh công tác ngăn ngừa nguy cơ tử vong và bị thương do TNGT. Để làm được điều này cần nâng cao chất lượng và an toàn đường bộ cũng như ô tô, chống chạy quá tốc độ và lái xe trong tình trạng say rượu, đồng thời khuyến khích mọi người thắt dây an toàn, đội MBH và sử dụng ghế dành cho trẻ em. Người đứng đầu tổ chức Liên Hợp quốc cũng cho rằng, một trong những biện pháp chính phủ các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển cần ưu tiên thực hiện chính là việc nâng cao chất lượng sơ cấp cứu ban đầu, và nếu làm được điều này thì mỗi năm chúng ta có thể cứu sống gần nửa triệu người.