Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đầu tư vào kênh nào hiệu quả?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 1 đã qua, trước những tín hiệu của nền kinh tế trong năm đầu thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chuẩn bị ký kết những hiệp định mới và trước những diễn biến của thị trường, nhiều nhà đầu tư (NĐT) đang tìm cho mình một kênh bỏ vốn hiệu quả.

Câu hỏi quen thuộc lại được đưa ra: Nên bỏ tiền vào kênh đầu tư nào - chứng khoán, bất động sản, vàng hay ngoại tệ?

Cân nhắc khi đầu tư vào vàng

Theo các chuyên gia, với những người không muốn mạo hiểm, tiết kiệm vẫn là kênh an toàn, bởi lãi suất được dự báo sẽ giảm thêm, cộng với lạm phát ở mức thấp, người gửi tiền sẽ được hưởng lợi.

Còn với những NĐT thích kinh doanh thì cần cân nhắc khi muốn đầu tư vào vàng. Theo các chuyên gia tài chính quốc tế, vàng có thể là kênh đầu tư hút vốn do giá vàng đã bật tăng trở lại khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định chưa tăng lãi suất trong phiên họp mới đây. Tuy nhiên, nhìn về trung và dài hạn, có nhiều yếu tố hỗ trợ giá vàng tăng. Lý do là đồng nội tệ của các nước sẽ và có nguy cơ mất giá so với đồng USD. Người dân các nước châu Á, nhất là Trung Quốc muốn tìm nơi trú ẩn an toàn cho tiền của mình nên sẽ tìm đến tài sản là vàng, bởi bất động sản cũng giảm giá do tăng trưởng kinh tế suy giảm.
Giao dịch tại Công ty Cổ phần Chứng khoán SHB. 	Ảnh: Phạm Hùng
Giao dịch tại Công ty Cổ phần Chứng khoán SHB. Ảnh: Phạm Hùng
Tại thị trường Việt Nam, giá vàng có thể sẽ tăng do tâm lý giữ vàng truyền thống. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, khác với các năm trước khi USD và vàng là 2 kênh đầu tư có thể hút mạnh vốn trên thị trường, thì năm nay đều được quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn để hạn chế đầu cơ. Vì thế, nếu có cất trữ vàng hay USD, NĐT chủ yếu là muốn đa dạng tài sản đầu tư nhằm hạn chế rủi ro, chứ không “bỏ hết trứng vào một rổ” để kiếm lời đáng kể như trước.

Trong khi đó, bất động sản, nhất là tại phân khúc thường đem lại lợi nhuận cao là căn hộ trung và cao cấp cũng như đất nền đã không còn hấp dẫn do giá đã tăng đáng kể. Đa phần NĐT mua trong thời điểm 2014 và nửa đầu 2015 đã có lãi, trong lúc nguồn cung trên thị trường ngày càng nhiều và đã có không ít lời cảnh báo về việc tăng nóng của phân khúc này.

Chứng khoán hấp dẫn hơn

Trong bối cảnh các kênh đầu tư nói trên đang có những cảnh báo nhất định thì thị trường chứng khoán đang ở mức định giá hấp dẫn. Tuy nhiên, thị trường này rất “kén” NĐT khi mà chỉ dành cho NĐT có “khẩu vị” rủi ro cao. Những cổ phiếu được lựa chọn là cổ phiếu của DN sản xuất có thị phần, doanh thu và lợi nhuận lớn, ổn định. Thời điểm mua thích hợp là khi giá giảm xuống mức thấp, có thể P/E (vốn trên lợi nhuận) chỉ nên dưới 7 lần, bởi ở mức P/E 8 lần như trong bối cảnh thị trường nhiều rủi ro hiện nay thì rất khó để tăng thêm.

Đánh giá trên các diễn đàn gần đây cho thấy, trước việc nhiều cổ phiếu tiềm năng giảm sâu, năm 2016 được kỳ vọng là năm đặc biệt thành công đối với NĐT theo trường phái đầu tư giá trị, với mức lợi nhuận ước tính là trên 50% nếu nắm giữ ngay từ thời điểm này và chờ đợi thị trường chung phục hồi.

Có thể NĐT sẽ không phải chờ lâu, vì trong khi những thông tin xấu dần được phản ánh hết vào giá cổ phiếu, thì trước mắt là nhiều thông tin tích cực hỗ trợ. Cụ thể, từ nay cho đến tháng 6/2016, các DN sẽ bắt đầu chốt chia cổ tức 2015, công bố việc nới room cho NĐT nước ngoài, thị trường áp dụng giao dịch mua bán trong ngày… Đây là những cơ hội mà NĐT cần nắm lấy.