Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đầu vào sư phạm thấp - chất lượng “trồng người” giảm

Thủy Trúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thực tế nhiều trường đại học (ĐH) lấy điểm trúng tuyển các ngành sư phạm 15,5 điểm - ngang sàn của Bộ GD&ĐT, GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam nhận định: Chất lượng đầu ra sẽ... hỏng.

Vì sao GS lại cho rằng đầu ra sẽ hỏng?
- Học sư phạm (SP) phải là những người rất giỏi, nhất là SP tiểu học. Tôi vẫn thường nói với các trường ĐH, sinh viên năm đầu tiên phải được những GS giỏi nhất dạy thì mới giỏi, chứ không phải là thạc sĩ mới ra trường. Các GS sẽ mở ra cho sinh viên chân trời khoa học, những gì tinh túy nhất và mới nhất thì GS đầu ngành phải trình bày cho sinh viên nghe. Tuy nhiên ở ta lại không như thế!
Năm nay, điểm trúng tuyển các ngành SP của nhiều trường địa phương chạm đáy ngưỡng tối thiểu đầu vào. GS có ý kiến gì về vấn đề này?
- Tất cả các quốc gia như Nga, Đức, Pháp, Ấn Độ… đều chú ý đến giáo dục SP. Vì người thầy muốn tốt thì phải rất vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ chắc chắn, đồng thời có đạo đức nghề nghiệp. Tại Việt Nam, chất lượng giáo viên đã được đặt ra từ nhiều năm trước và được các nhà lãnh đạo hết sức quan tâm. Nhưng gần đây, quan điểm chung chiêng về thị trường và giáo dục, chất lượng đào tạo giáo viên bắt đầu đi xuống. Đến nay, khi ta đang phát triển và đổi mới toàn diện GD&ĐT thì hệ thống SP lại không theo kịp phổ thông. Trong khi đó, học sinh giỏi không còn mặn mà theo đuổi sự nghiệp “trồng người” vì lương không đủ sống.
Nhưng, cũng có thời kỳ các trường SP thu hút được nhiều học sinh điểm cao?
- Đúng là thời điểm Nhà nước chủ trương không thu học phí đối với sinh viên học ngành SP, các trường cũng “lôi kéo” được một số em học sinh giỏi. Nhưng vấn đề không đơn thuần chỉ là miễn học phí mà còn bởi chính sách, vị thế của giáo viên trong xã hội. Nhà giáo bị đặt trong hoàn cảnh quá khó, lương không đủ sống phải đi dạy thêm, làm thêm để tăng thu nhập. Tôi chưa thấy giáo viên nước nào phải đi làm thêm như ở việt Nam.
Mặc dù đã được cảnh báo thừa giáo viên, nhưng thí sinh vẫn đăng ký vào ngành SP là do đâu, thưa GS?
- Tuy sức hút vào ngành SP giảm, nhưng có những học sinh không biết học ngành gì khác lại đăng ký học SP. Chúng ta không có dự báo về số lượng nhân lực giáo viên, vậy nên đào tạo tràn lan, sinh viên ra trường không bố trí được việc làm. Còn các trường SP không đào tạo giáo viên cũng chẳng biết làm gì. Đào tạo lại được thu phí nên các trường cứ tuyển sinh dẫn đến thừa giáo viên dạy kém, thiếu người dạy giỏi.
Gần đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tuyên bố sẽ thí điểm thực hiện hợp đồng giáo viên. Tôi cho rằng nếu làm được việc này rất tiến bộ nhưng rất khó đối khi nhiều giáo viên và có thể dẫn đến tiêu cực nếu thực hiện không nghiêm.
Học sinh giỏi không vào SP bởi lương giáo viên quá thấp, thưa GS?
- So với SP, nhiều ngành nghề có lương cao hơn nên hấp dẫn thanh niên. Trước đây, chúng ta nói thanh niên chọn nghề vì lý tưởng chứ không phải là tiền. Thực tế hiện nay, những nghề lương thấp, khó xin việc không thể hấp dẫn thí sinh vào học. Bây giờ thanh niên rất thiết thực, phải nhìn thấy cơ hội việc làm khi ra trường và có thu nhập cao. Chúng ta cứ nói nghề giáo cao quý nhất trong các nghề cao quý, nhưng lương không cao rất khó thu hút được người giỏi.
Nhưng, đây chỉ là hiện tượng nhất thời, GS có nghĩ vậy không?
- Thực tế, rất nhiều năm, hệ thống SP của chúng ta được trang bị chưa hiện đại so với các ngành khác. Ngay ĐH SP Hà Nội, ĐH SP TP Hồ Chí Minh so với các trường đào tạo kỹ thuật thì người dạy kỹ thuật vẫn nhỉnh hơn. Tôi cho rằng, hệ thống trường SP phải có tầm, luôn đi trước phổ thông. Chúng ta muốn đổi mới ở trường phổ thông thì trường SP phải đi trước. Tổ chức trường SP phải có tầm nhìn để mỗi khi trường phổ thông muốn chuyển hướng thì SP phải thực hiện trước.
Xin cảm ơn GS! 
Nhiều ngành SP có điểm chuẩn bằng điểm sàn
Trừ ĐH SP Hà Nội và ĐH SP TP Hồ Chí Minh, rất nhiều cơ sở đào tạo giáo viên có điểm trúng tuyển bằng sàn của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, ĐH Tân Trào cả 4 ngành SP hệ ĐH đều có điểm chuẩn đầu vào 15,5: Giáo dục mầm non, Giáo dục Tiểu học, SP Toán, SP Sinh. Trường ĐH Hà Tĩnh, lấy điểm chuẩn 15,5 cho tất cả các ngành học, trừ SP Mầm non. Trường ĐH Vinh, nhiều ngành SP có điểm chuẩn bằng sàn của Bộ GD&ĐT. Trường ĐH Hồng Đức, 10/10 ngành SP lấy điểm xét tuyển là 15,5. ĐH SP Huế lấy điểm chuẩn SP bằng điểm sàn Bộ GD&ĐT.... 

GS.TS Đinh Quang Báo  - Nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội: 3 điểm/môn đầu vào là không thể chấp nhận được
Khi chúng ta lấy điểm đầu vào quá thấp thì chắc chắn sẽ không một cơ sở đào tạo nào có thể đào tạo được những giáo viên có chất lượng. 3 điểm/môn đã đỗ vào ngành sư phạm là điều không thể chấp nhận. Theo tôi, nếu đầu vào quá thấp, không nên đào tạo nhất là khi giáo viên chúng ta còn thất nghiệp nhiều mà tiếp tục đào tạo tràn lan chỉ tạo thêm gánh nặng cho xã hội". Một số nước như: Phần Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc thành công trong giáo dục là do người ta có đội ngũ giáo viên giỏi. Để có đội ngũ giỏi, họ luôn đề cao chất lượng đầu vào, giáo viên có quyền tự do sáng tạo nghề nghiệp với những điều kiện phù hợp.
Vì vậy, cần phải có giải pháp để điểm chuẩn ngành sư phạm phải thuộc top cao nhất trong các ngành. Bên cạnh đó, để thu hút thí sinh giỏi vào các trường sư phạm, cần phải có những giải pháp đột phá. Trước hết, chế độ đãi ngộ phải tốt để giáo viên sống được bằng lương. Hơn nữa, sinh viên trường sư phạm ra trường phải đảm bảo cho các em có việc làm như khối ngành công an, quân đội hiện nay. Khi chúng ta chưa có chế độ đãi ngộ cao thì phải khẩn trương thực hiện quy hoạch đào tạo và sử dụng giáo viên phù hợp, không đào tạo quá nhiều dẫn đến dư thừa trầm trọng nguồn giáo viên như thời gian qua. Có như vậy chúng ta mới thực hiện được chiến lược “đầu tư cho giáo dục là quốc sách hàng đầu”.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng: Nên ngừng tuyển thí sinh có điểm đầu vào thấp
Tôi luôn là người phản đối Bộ GD&ĐT khống chế các trường ĐH bằng điểm sàn. Ở nhiều nước không lấy điểm chuẩn đầu vào làm chính mà chỉ là một yếu tố để tham khảo. Nhưng, hiện nay các trường ĐH chưa cải tiến cách đánh giá học sinh nên chúng ta chấp nhận điểm sàn là yếu tố duy nhất để kiểm soát chất lượng giáo dục. Hơn nữa, khi các trường SP chưa thay đổi chương trình, phương pháp, nội dung đào tạo… lại thực hiện theo “hình ống” vào bao nhiêu ra bấy nhiêu thì điểm đầu vào thấp chắc chắn chất lượng đầu ra không đạt chuẩn.
Vấn đề này, một mình các trường SP không làm nổi. Hiện nay sinh viên vào ngành SP có điểm thấp vì người giỏi không chuộng. Lý do bởi, số lượng giáo viên dư thừa chưa phân công hết, đó là chưa kể tiêu cực mới được đi dạy. Thứ hai, chất lượng đào tạo kém nên các trường không nhận giáo sinh mới tốt nghiệp. Thứ ba, lương giáo viên thấp không đủ sống. Chúng ta cứ nói giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng lương giáo viên lại không được như vị thế của nó.
Sở dĩ, ngày trước các trường SP thu hút được học sinh điểm cao vì có học bổng, ra trường được phân công công tác ổn định ngay. Bây giờ, học bổng không còn ý nghĩa, cái người ta cần là việc làm. Vì thế, để cải thiện tình hình, Bộ GD&ĐT và Chính phủ phải có chính sách mới. Theo tôi, trường SP nên ngừng tuyển những người có điểm đầu vào thấp, mà chỉ đào tạo những ai có điểm chuẩn cao. Thứ hai, họ tự thay đổi chương trình, đào tạo giáo viên và tham gia bồi dưỡng số giáo viên phổ thông hiện hành đang chuẩn bị cho công cuộc đổi mới giáo dục.