Năm 2016, dù kinh tế thế giới và trong nước đã có nhiều phục hồi tuy nhiên tốc độ còn chậm. Hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, ảnh hưởng của những biến động kinh tế- chính trị trên thế giới, giá dầu giảm, giá một số nhiên liệu khác lại tăng…
|
NCB- “em út” trong số 9 ngân hàng niêm yết có kết quả lợi nhuận tăng mạnh so với trước khi tái cơ cấu. |
Trong bối cảnh đó, các DN Việt đã nỗ lực vươn lên, tái cơ cấu và tự tái cơ cấu, nâng cao năng lực quản trị, khả năng tài chính của mình. Vì thế, mùa báo cáo tài chính năm 2016, hàng loạt doanh nghiệp đã kinh doanh tốt hơn mong đợi và vượt xa kế hoạch lợi nhuận mà cổ đông kỳ vọng.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016 của Tập đoàn Bảo Việt, tính đến cuối năm 2016, Tập đoàn này đạt tổng tài sản hợp nhất đạt trên 3 tỷ USD; doanh thu vượt mốc 1 tỷ USD, tăng trưởng 23,2%, bằng 113,8% kế hoạch. Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng 33%, doanh thu khai thác mới tăng trưởng 32,4%. Doanh thu phí bảo hiểm gốc trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng 11,9%.
Công ty Mẹ cũng hoàn thành vượt kế hoạch các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ của Công ty Mẹ đạt 15%.
Một “ông lớn” khác là Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cũng vừa công bố DN này nằm trong Top 40 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam do Vietnam Report bình chọn. Năm 2016, với kết quả kinh doanh nhiều đột phá, Hòa Phát đóng góp cho ngân sách Nhà nước gần 3.500 tỷ đồng.
Năm 2016, cũng ghi nhận sự nỗ lực tái cơ cấu của nhiều DN niêm yết. Đơn cử, NCB- “em út” trong 9 ngân hàng niêm yết trên TTCK cũng đạt tăng trưởng lợi nhuận khá ngoạn mục. Năm 2016, tổng tài sản NCB đạt 69,035 tỷ đồng, tăng 43,1% so với năm 2015, tăng gấp 2,5 lần so với trước khi tái cấu trúc. Lợi nhuận thuần từ kinh doanh: 210 tỷ, tăng 90,9% so với năm 2015 tăng gấp 5 lần so với trước khi Tái cấu trúc.
Huy động: 42,766 tỷ, tăng 24,9% so với năm 2015, tăng gấp 2,3 lần so với trước khi Tái cấu trúc. Cho vay: 25,352 tỷ, tăng 24,09% so với năm 2015, tăng gấp 2 lần so với trước khi Tái cấu trúc. Nợ xấu: dưới 2,07 % giảm 3 lần so với trước khi tái cấu trúc.
2017- TTCK duy trì triển vọng lạc quanNăm 2017, giới chuyên gia phân tích nhận định, TTCK Việt Nam vẫn duy trì triển vọng lạc quan dựa trên kỳ vọng nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng, các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng và hoạt động sản xuất lạc quan. Bên cạnh đó, tốc độ cải cách cách, thoái vốn, cổ phần hóa DNNN cũng là những “cú hích” cho TTCK Việt Nam. Dự báo, một dòng vốn ngoại lớn sẽ đổ vào TTCK Việt Nam khi Nhà nước thoái vốn khỏi nhiều DN lớn.
Ngoài ra, năm 2017, nhiều DN cũng đặt kế hoạch lên sàn sau thời gian dài trì hoãn. Điều này sẽ khiến TTCK Việt Nam thêm nhiều hàng tốt, nhà đầu tư thêm nhiều lựa chọn.
Lãnh đạo ABBank cho biết, năm 2017, DN này đặt mục tiêu đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán, tối ưu hóa lợi ích của cổ đông, khách hàng và các cán bộ nhân viên. Trong năm mới, ngân hàng này tập trung vào lĩnh vực bán lẻ, mục tiêu gia tăng tỷ trọng thu dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng 62%; hoàn thành kế tài chính với lợi nhuận tăng trưởng 72%. Trước đó, năm 2016, ABBank thành công về chỉ tiêu thu nhập thuần từ dịch vụ với kết quả ấn tượng 123 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2015, lợi nhuận trước thuế cả năm đạt trên 288,1 tỷ đồng, tăng gần 168% so với năm 2015.
Giám đốc Môi giới khách hàng tổ chức của Công ty Chứng khoán Rồng Việt Marc Djandji cho hay, Chính phủ đã và đang tích cực thúc đẩy các công ty niêm yết và đây sẽ là chủ đề chính trong năm 2017. Theo đó, các công ty gồm TCT Hàng không Việt Nam - CTCP (UPCoM: HVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (UPCoM: VGT) chuẩn bị niêm yết trong tháng 1/2017. Ông Djandji dự báo VN-Index tăng khoảng 11% trong năm 2017.