Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đầu Xuân Kỷ Hợi ghé thăm ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong chuyến hành trình cùng đoàn công tác Vùng 5 Hải quân đi thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các đảo thuộc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc nhân dịp Xuân Kỷ Hợi 2019, chúng tôi có dịp đặt chân đến ngọn hải đăng 120 năm tuổi – một trong những ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam, nằm trên đảo Hòn Khoai thuộc xã Tân An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Đảo Hòn Khoai nằm cách đất liền 15km. Dù khoảng cách không quá xa, tuy nhiên, để đặt chân đến được với hòn đảo này, chúng tôi phải đi bằng thuyền, rồi trung chuyển qua 2 lần bằng ghe nhỏ hơn mới vào được bờ. Sở dĩ vậy là bởi vùng biển khu vực Hòn Khoai mùa này rất động, sóng nước khá lớn.
 Ngọn hải đăng 120 năm tuổi – một trong những ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam, nằm trên đảo Hòn Khoai thuộc xã Tân An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Hành trình đến với ngọn hải đăng tiếp diễn với gần 4km đường rừng, có nhiều đoạn dốc gần 45 độ, một bên là vực sâu, một bên là đồi núi cao vợi. Một vài chị em phụ nữ trong đoàn được “ưu ái”, chở “tăng bo” bằng xe gắn máy. Tuy nhiên, vẫn phải đi bộ gần 1km đường rừng nữa mới đến được ngọn hải đăng…

Sau hành trình khá gian nan nhưng đáng nhớ, chúng tôi cũng đặt chân đến ngọn hải đăng. Hải đăng Hòn Khoai được người Pháp xây dựng từ năm 1899, cách đây tròn 120 năm. Đây cũng là một trong 6 ngọn hải đăng lâu đời nhất của Việt Nam.
 Bia ghi dấu cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai năm 1940
Dù đã được xây dựng từ rất lâu, tuy nhiên, hiện trạng ngọn hải đăng vẫn gần như được giữ nguyên vẹn. Từ ngoài cổng trạm đi vào, gian nhà phía bên phải đặt bia tưởng niệm Khởi nghĩa Hòn Khoai. Nơi đây vào những năm 40 của thế kỷ trước, cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai do thầy giáo Phan Ngọc Hiển lãnh đạo đã nổi dậy và giành thắng lợi nhanh chóng. Về sau, ngọn hải đăng và địa danh Hòn Khoai đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Hải đăng hòn Khoai có hình khối vuông, chiều cao của tháp là 15,7m, mỗi cạnh 4m, được xây dựng bằng đá hộc cộng với xi măng và trên nền đất có độ cao khoảng 318m so với mực nước biển. Đứng trên ngọn hải đăng có thể nhìn xa hơn 40 hải lý và bao quát được một khung cảnh biển trời rất hùng vĩ.
 Ngọn hải đăng Hòn Khoai nằm cách mặt nước biển khoảng 318m
Hiện, ngọn hải đăng Hòn Khoai thuộc quản lý của Bộ GTVT. Tại trạm hải đăng này có tổng số 6 cán bộ đang làm nhiệm vụ. Để bảo đảm điện lưới sinh hoạt, trạm hải đăng đã được lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời. Nguồn nước sử dụng được tích trữ trong những bể lớn từ nguồn nước mưa. Để cải thiện bữa ăn hàng ngày và bảo đảm nguồn dinh dưỡng, các cán bộ trạm hải đăng Hòn Khoai còn tăng gia sản xuất, trồng rau xanh, cây ăn quả và nuôi thêm lợn, gà…

Trạm trưởng Trạm hải đăng Hòn Khoai Phạm Huy Thiệp cho biết đảo Hòn Khoai (còn gọi là đảo Giáng Tiên hay hòn Độc lập), là một trong những hòn đảo đẹp nhất cực Nam Tổ quốc. Hòn Khoai là tên gọi dân gian của đảo với hai cách lý giải: Trên đảo ngày trước có trồng nhiều khoai và đảo có hình dáng giống củ khoai. Hòn Khoai có diện tích khoảng 4km2, đồi và rừng nguyên sinh gần như còn nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quý và một quần thể động thực vật phong phú.
 Mệnh lệnh nhiệm vụ được treo trong phòng làm việc
Anh Thiệp cho biết thêm, trước đây, trên đảo thiếu điện, nước nên cuộc sống của cán bộ trạm khá vất vả. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Nhà nước, đời sống cán bộ tại trạm đã được cải thiện đáng kể, giúp ai nấy yên tâm công tác, đóng góp vào công cuộc gìn giữ, bảo vệ biên cương bời cõi trên biển phía Tây Nam của Tổ quốc.

Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên báo Kinh tế & Đô thị ghi lại được tại trạm hải đăng Hòn Khoai, trong chuyến thăm, tặng quà và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên các đảo thuộc Vùng 5 Hải quân nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019.