Kinhtedothi - Tại buổi hội thảo “Kết nối khu vực tư nhân với phát triển cơ sở hạ tầng” vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ông Sử Ngọc Anh - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết: “Hình thức đầu tư công tư kết hợp (PPP) ở TP đã triển khai 15 năm nay, tuy nhiên việc triển khai và kêu gọi khu vực tư nhân đầu tư cơ sở hạ tầng như giao thông đô thị, cấp thoát nước vẫn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu cơ chế chính sách phù hợp nên nhà đầu tư vẫn còn e ngại tham gia”.
Đại diện Sở KH&ĐT TP Hồ Chí Minh thông tin, TP đang xúc tiến triển khai kêu gọi đầu tư 2 dự án bệnh viện gồm: Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khu vực 2 có quy mô 300 giường bệnh nội trú và Dự án bệnh viện Đa khoa Thực hành Phạm Ngọc Thạch. Nhưng hiện tại 2 dự án bệnh viện đó vẫn chưa kêu gọi được nhà đầu tư vì còn vướng mắc nhiều vấn đề như tỷ lệ góp vốn giữa Nhà nước và tư nhân là bao nhiêu %, quy định cho phép đội ngũ y bác sĩ, công chức viên chức giải quyết chênh lệch về thu nhập quyền lợi.
Để giải quyết khó khăn khi kêu gọi tư nhân hợp tác đầu tư, chia sẻ tại hội thảo, ông James Ballingall - Giám đốc cơ quan quốc tế phát triển hạ tầng của Anh cho rằng, Nhà nước cần phải lập kế hoạch phát triển hạ tầng quốc gia, đảm bảo lựa chọn các dự án theo đúng ưu tiên của quốc gia, tối ưu hóa việc phân bổ tiền thuế của người dân, tiền đầu tư và nguồn vốn tài trợ. Tuy nhiên, ông James Ballingall nhấn mạnh rằng, khi thực hiện đầu tư cơ sở hạ tâng xã hội theo hình thức PPP luôn luôn xác định những cơ sở vật chất hiện hữu đó là của công thuộc Nhà nước quản lý và vận hành. Quan trọng nhất là chúng ta tìm ra được mô hình phù hợp trong khuôn khổ đầu tư công tư PPP. Ông James Ballingall cũng lưu ý, việc đầu tiên chúng ta phải xác định được rằng, các công trình cơ sở hạ tầng được xây dựng bằng hình thức PPP là tài sản công chứ không phải là tài sản tư nhân. Vì vậy, Nhà nước là người quản lý vận hành các dự án, công trình đó và lợi nhuận thu được phải chi trả cho nhà đầu tư để thu hồi vốn.