Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đẩy mạnh đầu tư công, đủ vốn kịp tiến độ

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700.000 tỷ đồng. Để duy trì được tăng trưởng kinh tế, tạo đà cho nền kinh tế trong giai đoạn sau, Chính phủ đang thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công.

700.000 tỷ đồng chờ giải ngân

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng vốn đầu tư công nguồn NSNN được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700.000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312.000 tỷ đồng), bao gồm: 470,6 nghìn tỷ đồng trong dự toán năm 2020 và 225,2 nghìn tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang.

Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút thì việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.

 Ảnh minh hoạ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cam kết bảo đảm đủ nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo tiến độ giải ngân nhiệm vụ đầu tư công nêu trên. Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai của từng dự án, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; cho phép triển khai cơ chế giải ngân vốn vay nước ngoài trên môi trường điện tử, giải ngân không theo tỷ lệ cấp phát, cho vay lại; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong chấp hành pháp luật về quản lý đầu tư. Kết thúc năm, trường hợp vốn kế hoạch vẫn chưa giải ngân hết, trình Quốc hội cho phép hủy bỏ để giảm bội chi ngân sách năm 2020.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công đang được nhiều tổ chức và chuyên gia kinh tế nhận định là giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Các chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công cần nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực về kỹ thuật, tài chính, kinh nghiệm để triển khai dự án đúng tiến độ.

Các giải pháp mạnh mẽ nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công như các quy định mới về đầu tư công cơ bản để giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trước đây. Đồng thời tiếp tục rà soát các quy định, kịp thời tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc về ngân sách, đầu tư xây dựng, đẩy mạnh phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Song song đó, nghiên cứu, rà soát các quy định về tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách Nhà nước để kiến nghị sửa đổi những vấn đề chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay, đảm bảo tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải giải ngân hết vốn năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020 với tổng vốn gần 700 nghìn tỷ đồng. Người đứng đầu các ngành, địa phương không chịu giải ngân phải bị kiểm điểm trách nhiệm. Đến tháng 9 năm nay, nếu không giải ngân thì Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội để chuyển vốn sang dự án khác.

Thủ tướng cũng đề nghị thành lập tổ công tác đặc biệt để giám sát kiểm tra tiến độ giải ngân của các dự án. Đặc biệt, Chính phủ có chủ trương giải ngân các dự án trọng điểm, cấp bách đối với một số dự án giao thông như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay quốc tế Long Thành... Thủ tướng yêu cần phải giao nhiệm vụ cụ thể và có chế tài xử lý nghiêm minh nếu để xảy ra chậm trễ trong việc triển khai.

Nhiều dự án giao thông lớn sẽ khởi công trong năm 2020

Trong báo cáo của Bộ GTVT phục vụ Hội nghị trực tuyến với các địa phương, về kế hoạch triển khai Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, Bộ GTVT cho biết, ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết triển khai Nghị quyết của Quốc hội và giao Bộ GTVT thực hiện ngay các thủ tục đầu tư theo quy định để khởi công trong tháng 8-9/2020, Bộ GTVT đã tiến hành phê duyệt điều chỉnh dự án theo hình thức đầu tư công, dự kiến hoàn thành trước ngày 05/5/2020. Kế hoạch đấu thầu dự kiến hoàn thành trước 15/5/2020.

Công tác phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán các gói thầu theo hình thức đầu tư công và dự thảo quyết định phê duyệt sẽ thực hiện gấp rút trong vòng một tháng (từ 30/4 - 25/5/2020) và không chờ Nghị quyết của Quốc hội. Việc phê duyệt chính thức dự kiến từ 1/6 - 10/6/2020 ngay khi có Nghị quyết của Quốc hội.

Bộ GTVT sẽ yêu cầu các ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ đánh giá. Bộ GTVT tổ chức thẩm định và phê duyệt trước ngày 10/8/2020 để khởi công công trình. Với kế hoạch này, dự kiến cả 8 dự án sẽ khởi công gói thầu đầu tiên vào 20 - 30/8/2020 và toàn bộ các gói thầu sẽ khởi công trong tháng 9/2020.

Ngoài dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông, dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ và 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài dự kiến sẽ được triển khai ngay nửa cuối năm 2020.

Tổng cộng các dự án trên có tổng mức đầu tư 112.073 tỷ đồng (hiện đã bố trí 14.279 tỷ đồng cho 3 dự án đường cao tốc đã thi công). Nếu các cấp có thẩm quyền sớm bố trí được nguồn vốn, ra quyết định đầu tư, triển khai thi công nhanh sẽ sớm giải ngân, tạo công ăn việc làm kích thích tăng trưởng kinh tế.

Được biết, trong tuần này, Chính phủ đã họp với tỉnh Đồng Nai, trong đó thúc địa phương này phải hoàn tất giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành, giải ngân 17.000 tỷ đồng trong năm 2020 để có thể triển khai xây sân bay và hoàn thành năm 2025.