Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công: Trị bệnh trì trệ

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ vừa Quyết định thành lập 7 đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020 tại một số bộ, cơ quan, địa phương. Các đoàn công tác này do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và một số Bộ trưởng làm Trưởng đoàn. Quyết định được đưa ra ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ với các địa phương cuối tuần qua, về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Dự án đầu tư công chủ yếu về các công trình giao thông. Ảnh: Việt Dũng
Đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng. Năm nay, lượng vốn cần giải ngân cao gấp hơn 2 lần so với năm ngoái (với gần 30 tỷ USD tương đương gần 700.000 tỷ đồng). Nhưng quá nửa năm, tình hình giải ngân còn rất chậm, đạt 159.397,1 tỷ đồng, tương đương 33,9% kế hoạch (trong đó, giải ngân vốn ODA mới chỉ được 13,1%), vẫn còn lượng vốn rất lớn chưa được giải ngân.
Chính vì vậy, cần phải chấm dứt tình trạng trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công. Quốc hội trao cho Chính phủ quyền thực hiện các giải pháp vì lợi ích của nền kinh tế, để thực thi công vụ quốc gia nhưng cụ thể phải bỏ dây trói nào, trong văn bản nào, thì đó là nhiệm vụ của các bộ, ngành, Chính phủ. Trong bối cảnh đó, việc lập các đoàn kiểm tra có ý nghĩa xem xét tình hình cụ thể để kịp thời giải quyết ngay những vướng mắc và các vấn đề phát sinh. Bên cạnh đó, việc kiểm tra thực tế tại bộ, ngành, địa phương thậm chí tận chân công trình cũng để biết lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương có đeo bám từng dự án hay không, trách nhiệm đến đâu.
Và điểm quan trọng nữa là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, sẽ bắt đầu thực hiện điều chuyển vốn đầu tư giữa các bộ, ngành, địa phương ngay từ tháng 8, thay vì tháng 9 như kế hoạch trước đây. Thủ tướng yêu cầu các đoàn công tác có trách nhiệm báo cáo tổng hợp tình hình, kết quả kiểm tra và đề xuất, kiến nghị cụ thể gửi Thủ tướng Chính phủ trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra đối với từng địa phương, bộ, cơ quan. Chính phủ sẽ họp giao ban 1 tháng/lần với các bộ, cơ quan T.Ư, địa phương về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Định kỳ 15 ngày phải báo cáo Thủ tướng kết quả giải ngân.
Trong các gói hỗ trợ hiện nay, tiền tệ và thuế đều chỉ là liều thuốc cầm hơi, chưa kể cũng tiềm ẩn những rủi ro. Ngân hàng hạ tiêu chuẩn sẽ đẩy toàn bộ rủi ro cho ngân hàng, nợ xấu sẽ tăng lên. Còn gói hỗ trợ giảm thuế, phí sẽ hỗ trợ giảm chi phí cho DN nhưng đẩy rủi ro cho ngân sách. Đó là chưa kể bối cảnh hiện nay DN không có lãi để nộp thuế… Trong bối cảnh đó, đầu tư công sẽ đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Một mặt, đầu tư công giải quyết đúng nhu cầu của nền kinh tế là phải xây dựng cơ sở hạ tầng. Mặt khác, việc đầu tư công thực hiện đúng thời điểm nền kinh tế đang cần. Bản thân số lượng vốn đầu tư công bỏ ra cho nền kinh tế sẽ là một phần trong giá trị đầu tư đối với giá trị GDP. Nhưng điều quan trọng là giúp vượt qua khó khăn, giải quyết rất nhiều việc làm cho người lao động và mỗi khi các dự án hạ tầng này hoàn thiện thì sẽ có tác động lan toả rất mạnh đối với phát triển kinh tế, hoạt động kinh doanh và dịch vụ.
Chính phủ đặt quyết tâm cao nhất là giải ngân 100% vốn đầu tư công. Dòng vốn 30 tỷ USD được "bơm" đều đặn hàng năm để phục vụ đầu tư các dự án đầu tư công nhưng nhiều năm nay trong tình trạng "có tiền mà không tiêu được". Việc này giờ đây phải thay đổi.