Theo đó, trong bối cảnh mới nguồn thông tin ngày càng phong phú, đa chiều, dân chủ xã hội tiếp tục được mở rộng, dân trí không ngừng nâng cao, sự bùng nổ của công nghệ và các hình thức truyền thông gắn với công nghệ đặt ra những yêu cầu mới và ngày càng cao đối với truyền thông công đoàn. Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam ban hành Chương trình “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023-2028”.
Chương trình đặt ra mục tiêu tập trung nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông trong và ngoài Công đoàn, sử dụng đa dạng và hiệu quả các hình thức, phương thức truyền thông, lan tỏa mạnh mẽ đến đoàn viên, người lao động và toàn xã hội về hoạt động của Công đoàn Việt Nam;
Tập trung quảng bá, giới thiệu vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, đóng góp và những đổi mới của Công đoàn Việt Nam, bảo vệ các giá trị và truyền thống vẻ vang của tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam;
Phản ánh kịp thời đời sống, việc làm, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; tuyên truyền, vận động nâng cao bản lĩnh chính trị, kiến thức pháp luật, trình độ kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, góp phần phát triển cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị và đất nước.
Nội dung truyền thông kết hợp hài hòa giữa truyền thông chính trị, truyền thông chính sách và truyền thông hình ảnh. Bên cạnh truyền thông về hoạt động công đoàn, cần đẩy mạnh truyền thông về các nội dung, vấn đề mà đoàn viên, người lao động quan tâm.
Bám sát Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, các định hướng và nhiệm vụ công tác hàng năm, công tác truyền thông phải được cụ thể hóa nội dung, triển khai các thông điệp theo chủ đề và sự kiện. Trong đó, tập trung truyền thông về chính sách, pháp luật của Nhà nước, chương trình, kế hoạch hoạt động công đoàn - nhất là chính sách, pháp luật liên quan đến đoàn viên, người lao động, những quy định người lao động cần nắm vững để nâng cao năng lực tự bảo vệ; thông tin chỉ dẫn, giáo dục, tư vấn, hỗ trợ đoàn viên, người lao động.
Nâng cao nhận thức về tổ chức công đoàn Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý; vừa là tổ chức chính trị - xã hội, vừa là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Hoạt động công đoàn, nhất là lợi ích Công đoàn mang lại để người lao động hiểu rõ mục tiêu “vào tổ chức Công đoàn để làm gì và có quyền lợi gì?”.
Công đoàn tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; tham gia các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; thông tin đối ngoại và các hoạt động hợp tác quốc tế.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra một số giải pháp để thực hiện chương trình như: Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, phương tiện truyền thông, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới trong công tác truyền thông công đoàn; Xây dựng hệ thống báo chí, xuất bản, các kênh truyền thông nội bộ của công đoàn đủ mạnh. Tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông bên ngoài để chủ động thông tin đến đoàn viên, người lao động; Nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của đoàn viên, người lao động, đẩy mạnh truyền thông công đoàn cơ sở.