Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt vào EU thông qua thị trường Ba Lan

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường Ba Lan có nhu cầu lớn về nhiều loại mặt hàng nông sản, thực phẩm, trong khi đây là những sản phẩm thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, có nhiều cơ hội để thúc đẩy đưa hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam thâm nhập thị trường Ba Lan trong thời gian tới.

Nhiều cơ hội từ thị trường Ba Lan

Chia sẻ tại Hội nghị giao thương trực tuyến xúc tiến thương mại và hợp tác DN Việt Nam - Ba Lan mới đây, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, những năm gần đây, ngành nông sản, thực phẩm Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Trong bối cảnh hiện nay, với việc kiểm soát chặt chẽ dịch Covid-19 và sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại tự do được ký kết và đi vào hiệu lực, Việt Nam đang có nhiều điều kiện phát triển lĩnh vực nông sản, thực phẩm.

Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Ba Lan Nguyễn Hùng chia sẻ, hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên thị trường quốc tế khi có mặt tại 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó nhiều thị trường có chất lượng cao như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU), Hàn Quốc…

Trong khi Việt Nam có năng lực cung ứng hàng nông, thủy sản thì thị trường Ba Lan lại có nhu cầu về những mặt hàng này. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Thành Hải - Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan, nước này hiện có nhu cầu lớn những mặt hàng thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như gạo, cá tra, cá basa, tôm, sản phẩm xoài, dứa, chanh leo, cà phê, hạt điều… Trong đó, mặt hàng gạo, nhất là gạo ST24 và ST25 có khả năng cạnh tranh được với gạo Thái Lan về chất lượng và giá. Hiện giá CIF các mặt hàng gạo này của Việt Nam tới các nước châu Âu đang thấp hơn 2-3% so với gạo Thái Lan, kể cả tính thuế nhập khẩu. “Gạo Việt Nam vào EU chỉ chiếm 6%, trong khi Thái Lan và Campuchia cao hơn rất nhiều. Như vậy, hạn ngạch 80.000 tấn gạo Việt Nam vào EU theo cam kết EVFTA là một khối lượng rất nhỏ so với nhu cầu nhập khẩu bình quân là 2,3 triệu tấn/năm của các nước EU và Vương quốc Anh”, ông Nguyễn Thành Hải thông tin.

 Với sản phẩm hạt điều chế biến sâu cũng được nhận định sẽ là mặt hàng có thể phát triển mạnh mẽ về thị trường tại Ba Lan. Cùng với đó, các loại nước cô đặc từ xoài, dứa, chanh leo cũng đang có nhu cầu lớn tại thị trường Ba Lan trong khi doanh nghiệp trong nước không đủ công suất cung cấp cho thị trường…

 Theo đánh giá của các chuyên gia, với những nhu cầu tiêu dùng như trên, thị trường Ba Lan còn rất nhiều dư địa cho các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam. Cùng với nhu cầu thị trường lớn, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều thuận lợi trong việc xuất khẩu sang Ba Lan.

Ông Wojciech Gerwel, Đại sứ Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam cho rằng, tâm lý doanh nghiệp Việt Nam và Ba Lan có nhiều nét tương đồng, trên nền tảng mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc. Đây là điều kiện tốt để các doanh nghiệp hai nước phát triển hợp tác kinh doanh.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với EU (EVFTA) mà Ba Lan là một thành viên là FTA thế hệ mới mang lại nhiều tác động tích cực đến nhiều mặt của nền kinh tế Việt Nam, qua đó đều có tác động đến tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường EU nói chung và Ba Lan nói riêng.

Theo cam kết trong EVFTA, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Tiếp đó sau 7 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại của Việt Nam, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, cho đến nay, cam kết của EU trong EVFTA là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết.

Do chênh lệch thuế nhập khẩu từ 10 - 15% so với hàng hóa cùng chủng loại từ các nước đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc và một số nước châu Á khác như Campuchia, Myanmar, Bangladesh… nên hàng Việt Nam vào EU nói chung và Ba Lan nói riêng có sức cạnh tranh đáng kể.

Hiện nay, Việt Nam là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ 10 của EU, chiếm khoảng 1,8% thị phần. Để thương mại giữa Việt Nam và EU cũng như thương mại giữa Việt Nam và Ba Lan phát huy tốt lợi ích từ EVFTA, các cơ quan, bộ ngành của Việt Nam trong đó có Bộ Công Thương đã và đang thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực, nhận thức, cung cấp thông tin cho các DN xuất khẩu Việt Nam về những cam kết trong hiệp định và đòi hỏi của thị trường. Qua đó, giúp doanh có thể đáp ứng được tiêu chuẩn về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm của EU, các hàng rào kỹ thuật…

Tuy nhiên, thời điểm này rất khó khăn cho các hoạt động giao thương và trao đổi thương mại trên toàn cầu, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam và Ba Lan, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc sử dụng các nền tảng số để xúc tiến thương mại đã mang đến cơ hội để DN hai nước được gặp gỡ, giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.

Ngay sau hội nghị, gần 30 DN Việt Nam đã giao dịch trực tuyến với hơn 40 DN Ba Lan, giới thiệu đa dạng các sản phẩm nông sản, thực phẩm có triển vọng xuất khẩu sang EU của Việt Nam.