Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dạy nghề cần tránh tình trạng "giẫm chân nhau"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Lớp lang", "bài bản" là nhận định chung của chuyên gia khi tiếp cận Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn của Hiệp hội Làng nghề VN.

KTĐT - "Lớp lang", "bài bản" là nhận định chung của chuyên gia khi tiếp cận Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn của Hiệp hội Làng nghề VN. Hiện Hiệp hội đang đề xuất dạy nghề theo 3 mô hình và các mô hình đều đang tiến hành làm điểm.

Để triển khai Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020, hầu hết các tổ chức chính trị, các hội nghề nghiệp đều đứng ra tuyên truyền, tư vấn, đào tạo nhưng đang cố tránh “giẫm chân nhau”.

Khắp nơi dạy nghề

"Lớp lang", "bài bản" là nhận định chung của chuyên gia khi tiếp cận Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn của Hiệp hội Làng nghề VN. Hiện Hiệp hội đang đề xuất dạy nghề theo 3 mô hình và các mô hình đều đang tiến hành làm điểm.

Cụ thể, mô hình 2 tiến hành theo cách "đào tạo nghề, tổ chức việc làm cho lao động nông thôn kết hợp xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm". Với mô hình này, Hiệp hội đã chọn Công ty TNHH Mai Bình (TP.Hoà Bình) đào tạo thí điểm tại xã Tu Lý (Đà Bắc, Hoà Bình) làm đối tác. Hiện doanh nghiệp này đang lên kế hoạch tổ chức lớp học

Tương tự, năm 2010 Hội Làm vườn Việt Nam cũng phối hợp với Tổng cục Dạy nghề lên kế hoạch tổ chức nhiều lớp học trong cả nước. Trước đó, năm 2009, Hội đã tổ chức hàng chục lớp học nghề tại các tỉnh.

Mới đây nhất, ngày 12-10, T.Ư Đoàn ký nghị quyết liên tịch với Bộ NN&PTNT đào tạo 10.000 thanh niên nông thôn thành nông dân giỏi. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Bí thư T.Ư Đoàn cho biết: "10.000 thanh niên này sẽ được trang bị các kiến thức về nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất các ngành nghề nông nghiệp đặc trưng để có thể trở thành những nông dân trẻ điển hình". Dù chỉ là 1 phần trong Đề án 1956 (còn lại thuộc Chương trình hỗ trợ thanh niên học nghề, tạo việc làm của Chính phủ) nhưng theo định hướng, Đề án này cũng sẽ mở rất nhiều lớp đào tạo nghề ngắn hạn ở khu vực nông thôn.

UBND cấp tỉnh đóng vai trò quan trọng

Ngoài 3 đơn vị nói trên, còn rất nhiều cơ quan, ban ngành và cả doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề. Dự kiến cuối năm 2010, đầu năm 2011, khắp nơi trên cả nước sẽ liên tục có các lớp dạy nghề ngắn hạn cho nông dân. Với các chương trình dày đặc như vậy, nhiều người lo ngại các lớp sẽ "giẫm chân lên nhau" hoặc kinh phí mở các lớp không đồng đều khiến người dân... tị nạnh.

Lường trước thực tế này, ông Hà Minh Phương - Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên (Tổng cục Dạy nghề), đơn vị điều phối Đề án 1956 cho hay, theo tinh thần chung, hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn sẽ được xã hội hoá để huy động tối đa nguồn lực giảng dạy và tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các lớp học dễ dàng.

Hiện, Ban chỉ đạo T.Ư Đề án 1956 và các tỉnh sẽ đóng vai trò điều phối các chương trình qua việc phân công phụ trách tuyên truyền, tư vấn, đào tạo theo ngành nghề. "Các đơn vị đều có đề án thể hiện cách làm, địa điểm, đối tượng tác động... Việc phê duyệt đề án cũng đồng thời là một cách điều phối để không bị trùng lặp" - ông Phương nói.

Về việc tránh chồng chéo khi tổ chức lớp, ông Nguyễn Văn Hiến - Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề - hỗ trợ việc làm nông dân (T.Ư Hội Nông dân Việt Nam) cho rằng, việc điều phối mở lớp ở đâu, mở như thế nào, UBND tỉnh đóng vai trò rất quan trọng. Hiện, các tỉnh đều có hệ thống trung tâm dạy nghề cấp huyện thực hiện nhiệm vụ này. Các tổ chức chính trị và Hiệp hội Nghề nghiệp cũng có hệ thống dạy nghề của mình, nhưng bên cạnh việc chịu sự điều phối trong hệ thống, kế hoạch dạy nghề của các trung tâm này cũng có sự phê duyệt của UBND cấp tỉnh, huyện. Nếu UBND tỉnh có kế hoạch tổng quát, phân công rõ ràng thì khó có sự chồng chéo.