Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dạy nghề cho nông dân: Đổi mới để nâng hiệu quả

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề cho hội viên nông dân, năm 2018 và những năm tiếp theo, Hội Nông dân (HND) TP Hà Nội sẽ tập trung đổi mới theo hướng gắn dạy nghề với hỗ trợ việc làm và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Bộc lộ nhiều hạn chế
Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tính đến hết năm 2017, các cấp HND TP Hà Nội đã phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho hơn 13.000 lượt hội viên, nông dân. Tuy nhiên, công tác dạy nghề cho nông dân đang bộc lộ những hạn chế cần sớm được giải quyết. Theo Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung, phần lớn nông dân trong độ tuổi học nghề trên địa bàn huyện rời quê ra TP làm việc nên tuyển sinh ở một số xã không đủ quy mô học viên để mở lớp dạy nghề.
 Người lao động tìm hiểu thông tin việc làm tại Phiên giao dịch việc làm huyện Ứng Hòa. Ảnh: Ngọc Ánh 
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro bởi thiên tai, dịch bệnh, giá cả bấp bênh, không ổn định nên một bộ phận nông dân muốn chuyển nghề và có nhu cầu đào tạo để chuyển nghề khác. Trong khi quy định mỗi lao động chỉ được hỗ trợ học nghề một lần nên việc đào tạo chuyển nghề cho nông dân không thực hiện được. Một khó khăn nữa là sau khi học nghề, một số hộ nông dân không có vốn để đầu tư phát triển sản xuất.

Lý giải về thực trạng trên, Phó Chủ tịch HND TP Hà Nội Lê Ngọc Thắng cho rằng, hiện kinh phí dành cho công tác dạy nghề thấp. Trong khi nhiều nghề mới nông dân có nhu cầu nhưng lại không nằm trong danh mục dạy nghề, dẫn tới nghề cần thì chưa được dạy, mà dạy những nghề khó tìm việc làm trong bối cảnh hiện nay. Thêm vào đó, nhận thức về công tác dạy nghề và hỗ trợ nông dân của cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số nơi còn hạn chế, còn tình trạng “đánh trống ghi tên” dẫn tới điều tra, đánh giá, tư vấn hỗ trợ nông dân chọn nghề học chưa phù hợp.

Nâng cao chất lượng

Đại diện HND các huyện kiến nghị, thay vì “chạy” theo số lượng, các cấp Hội cần quan tâm nâng cao chất lượng các lớp dạy nghề. Cụ thể, tăng thời gian học từ 3 lên 6 tháng để ngoài học kiến thức, nông dân được tiếp cận với cơ chế chính sách mới về phát triển nông nghiệp của T.Ư, TP. Cùng với đó, cần thay đổi nhận thức trong sản xuất, kinh doanh của nông dân từ tự phát, truyền thống sang bài bản, bền vững. Đồng thời, TP cần có cơ chế, chính sách khuyến khích DN tham gia hỗ trợ nông dân sau học nghề có việc làm hoặc bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Chia sẻ về các giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác dạy nghề cho nông dân, Chủ tịch HND huyện Đông Anh Ngô Đăng Chè cho biết, huyện đã lồng ghép nhiều nguồn lực, gắn dạy nghề với vay vốn ưu đãi lên tới 500 tỷ đồng. Nhờ đó, số hội viên nông dân có việc làm sau học nghề đạt trên 86% bao gồm cả các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp (chăm sóc hoa lan, cây cảnh, trồng rau an toàn…) và phi nông nghiệp (tin học, nấu ăn, điện dân dụng…). Còn theo Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung, dạy nghề cho nông dân cần gắn chuỗi tiêu thụ nông sản với phát triển dịch vụ, du lịch, từ đó khích lệ lao động trẻ ở nông thôn tham gia. Bằng cách làm này, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo ở các xã miền núi của Ba Vì tăng lên trên 80%.

Để từng bước tháo gỡ những khó khăn và nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác dạy nghề, Phó Chủ tịch HND TP Hà Nội Lê Ngọc Thắng cho biết, thời gian tới, các cấp hội cần tiếp tục đẩy mạnh tư vấn, dạy nghề cho nông dân, thu hút lao động trẻ tham gia học nghề. Ngoài đào tạo phổ cập, Hội đề xuất với TP nên có các lớp dạy nghề nông gắn với ứng dụng công nghệ cao. Đây cũng là mô hình mới HND Việt Nam đã và đang triển khai tại TP Hồ Chí Minh được đông đảo cán bộ, hội viên nông dân đánh giá cao.