Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dạy nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có tới 64% DN cho biết chất lượng lao động chỉ đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng.

Tại hội nghị người sử dụng lao động năm 2018 - hợp tác DN và nhà trường trong đào tạo và tuyển dụng do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tổ chức ngày 21/11, nhiều ý kiến đồng tình quan điểm DN là thước đo trong quá trình đào tạo.
Giờ thực hành tại trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Chủ trương hợp tác giữa DN - nhà trường trong đào tạo và đưa người học đến xưởng thực tập đã được thực hiện từ vài năm nay, tuy nhiên, chỉ một số ít trường có mô hình “bắt tay” hiệu quả, còn lại đa phần mang tính hình thức. Giải thích về việc này, TS Vũ Xuân Hùng – Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục GDNN cho biết: "Trước đây, các cơ sở GDNN được bao cấp, bây giờ họ rất ngại chủ động liên hệ, kết hợp với DN để đào tạo nghề. Giải bài toán này, chúng tôi đề ra giải pháp giao quyền tự chủ cho các trường để họ chủ động trong đào tạo cũng như “bắt tay” chặt hơn với DN. Không những thế, chúng tôi còn đặt ra khẩu hiệu “DN là thước đo trong đào tạo”. Dạy nghề gắn với DN đồng nghĩa với mọi sự thay đổi trong DN thì nhà trường đều nắm bắt và đáp ứng được".

Ngoài việc chỉ ra thực tế hiện nay chỉ 8 – 10% học sinh tốt nghiệp THPT tham gia đi học nghề, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nêu ra thời gian đào tạo quá dài cũng khiến cho người học ra trường không đáp ứng nhu cầu DN. Hiện nay, các quốc gia quy định thời gian đào tạo đại học 3 năm, trong khi Việt Nam từ 4 – 5 năm, cao đẳng 2 - 3 năm. Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng nghề nghiệp thay đổi, nếu học 4 – 5 năm ra trường thì nghề được đào tạo không còn phù hợp thực tế nên rất cần rút ngắn thời gian đào tạo. Đồng thời, đào tạo nghề theo hình thức online, kết hợp giữa xưởng và trường. Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, DN chính là động lực chính thúc đẩy hoạt động GDNN. Trực tiếp sử dụng lao động do các trường đào tạo thì DN cần phải đầu tư vào GDNN còn Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ. “DN không phải chờ các trường đào tạo xong rồi tuyển dụng và lại kêu không đáp ứng yêu cầu. Để có thể tuyển dụng lao động chất lượng, DN cần có định hướng nhu cầu nghề nghiệp, vị trí công việc và cùng nhà trường tham gia soạn thảo chương trình đào tạo; cử kỹ sư, công nhân lành nghề và nhà quản lý giỏi đến trường dạy nghề; DN tiếp nhận thực tập sinh” – ông Lộc đề xuất.

Tại hội nghị, đại diện một số trường nghề cho biết đã bắt tay với DN và mang lại nhiều lợi ích. Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Đồng Nai Lê Anh Đức chia sẻ, trường xây dựng chương trình đào tạo thực chất xuất phát từ nhu cầu DN, giáo viên thực hiện theo lộ trình đã cam kết. Về phía DN, tạo điều kiện cho sinh viên đến làm việc. Với cách làm này, mỗi năm nhà trường lại tuyển sinh được số lượng tăng 20%, riêng năm 2018 lên tới 37%. Từ sự kết hợp xưởng – trường, nhiều đại biểu đồng tình với quan điểm sự tồn tại của nhà trường do DN quyết định, thương hiệu của trường cũng được nâng lên.