KTĐT - Với tốc độ đô thị hóa chóng mặt như hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy diện tích đất nông nghiệp sẽ ngày càng bị thu hẹp. Người nông dân mất đất canh tác, nếu không có một nghề ổn định, số lao động dư thừa này sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ thách thức. Bởi vậy, cần có một chính sách hỗ trợ người nông dân, không chỉ những người mất đất canh tác mà còn là những lao động nông thôn trong thời gian nông nhàn.
Theo những nghiên cứu gần đây, tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn hiện đang rất nghiêm trọng, có khoảng 7 triệu lao động chưa có hoặc thiếu việc làm, mỗi năm lại bổ sung thêm 400.000 người đến tuổi lao động. Bên cạnh đó giai đoạn từ 2006-2010, tổng diện tích đất nông nghiệp sẽ bị thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhu cầu công cộng và lợi ích quốc gia sẽ là 192.212 ha và theo đó sẽ có tới 2.498.756 lao động nông thôn mất việc.
Nhu cầu cấp thiết hiện nay
Với tốc độ đô thị hóa chóng mặt như hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy diện tích đất nông nghiệp sẽ ngày càng bị thu hẹp. Người nông dân mất đất canh tác, nếu không có một nghề ổn định, số lao động dư thừa này sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ thách thức. Bởi vậy, cần có một chính sách hỗ trợ người nông dân, không chỉ những người mất đất canh tác mà còn là những lao động nông thôn trong thời gian nông nhàn.
Ngày 27-11-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1956/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Theo đó, mục tiêu mỗi năm đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn đến năm 2020. Như vậy, tính đến thời điểm kết thúc đề án, sẽ có khoảng 10 triệu người lao động nông thôn được dạy nghề.
Ông Hứa Minh Phương, quyền Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh - sinh viên (Tổng cục Dạy nghề) cho biết: “Một trong những thành tựu tiêu biểu nhất của các lớp đào tạo nghề trong thời gian qua của chúng tôi phải kể đến là nỗ lực dồn điền đổi thửa, chuyển đổi ruộng trũng, ao tù thành mô hình nuôi cá hàng hóa. Nhiều địa phương hình thành vùng chuyên canh nuôi thủy sản với quy mô từ 30-50ha”. Như vậy, đã giải quyết một phần không nhỏ những lao động dư thừa trong lúc nông nhàn.
Hiện nay, nhu cầu cần có lao động qua đào tạo nghề ở một số nghề rất lớn, ví dụ: làng nghề có nhu cầu đào tạo nghề hàng năm khoảng 350.000 - 400.000 người; vùng chuyên canh cây nguyên liệu, cây cao su, chè, thuốc lá, cà phê, giấy... có nhu cầu lao động qua đào tạo khoảng 96.000 người (mỗi năm cần đào tạo từ 12.000 - 15.000 người); một số tập đoàn, tổng công ty lớn có nhu cầu lao động qua đào tạo nghề ở các cấp trình độ đến năm 2020 khoảng 800.000 người; nhu cầu lao động qua đào tạo nghề của ngành du lịch giai đoạn 2009 - 2015 khoảng 20.000 người/năm. Như vậy, việc giải quyết nghề cho lao động nông thôn để họ chuyển đổi hẳn nghề hoặc làm theo mùa vụ trong những lúc nông nhàn là điều có thể thực hiện được.
Còn nhiều khó khăn
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đề án đã vấp phải một số khó khăn. Đầu tiên đó là thiếu giáo viên dạy nghề. Với mục tiêu 1 triệu nông dân được học nghề mỗi năm, cần phải có một số lượng lớn giáo viên dạy nghề. Sau khi triển khai đề án, thực tế cho thấy số lượng giáo viên, các phương tiện cần thiết cho thực hành của các cơ sở dạy nghề hiện còn rất thiếu và yếu.
Dạy nghề cho lao động nông thôn cần triển khai theo mục tiêu “6 có” là: có trường dạy nghề, có cơ sở vật chất, có chương trình đào tạo, có giáo viên, có chính sách cho người học và đặc biệt là có nhu cầu đặt hàng lao động của các doanh nghiệp. Nếu đạt được 6 điều như vậy thì người lao động nông thôn mới thực sự sống được với nghề.
Theo thống kê, các trung tâm dạy nghề còn thiếu khoảng 2.900 giáo viên chỉ tính riêng trong năm 2010. Tại hội nghị giao ban thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" tổ chức mới đây, tình trạng thiếu cán bộ chuyên trách, thiếu giáo viên cũng là một trong những hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện đề án được Ban chỉ đạo đề án chỉ ra bên cạnh việc thiếu giáo trình, học liệu dạy nghề cho lao động nông thôn.
Ông Dương Đức Lân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết: “Hiện nay, chúng ta còn tới 42 trung tâm dạy nghề không có giáo viên cơ hữu; 39 trung tâm dạy nghề chỉ có 1 giáo viên cơ hữu; 100 trung tâm chỉ có từ 2 - 3 giáo viên cơ hữu; 140 trung tâm có từ 4 - 6 giáo viên cơ hữu. Cùng đó phương pháp giảng dạy còn lạc hậu. Nhiều giáo viên chưa chịu khó nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ và phương pháp giảng dạy”.
Chưa kể việc phân bổ kinh phí chưa đồng đều, thiếu kinh phí thực hiện. Theo đề án, tổng kinh phí thực hiện Đề án từ ngân sách Nhà nước dự kiến là 25.980 tỷ đồng, gồm: 24.694 tỷ đồng dành cho kinh phí dạy nghề lao động nông thôn, 1.286 tỷ đồng để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã. Thế nhưng, hiện nay vẫn còn nhiều nơi kinh phí vẫn chưa giải ngân kịp.
Rõ ràng việc ổn định đời sống, tìm việc làm cho người nông dân trong những lúc nông nhàn hoặc khi không còn đất canh tác là một vấn đề cấp thiết hiện nay. Để giải quyết thỏa đáng một bài toán kinh tế - xã hội phức tạp, trước hết quy hoạch phải được tính toán, cân nhắc cẩn trọng, sao cho hợp lý tối đa sử dụng đất, không tác động xấu cho môi trường, dân sinh. Công khai, minh bạch trong các quy hoạch và "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" sẽ góp phần quan trọng tránh được nhiều tiêu cực nảy sinh trong quá trình hình thành, thực thi các dự án.