Bổ sung quy định ban hành danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả
Quan tâm đến vấn đề rà soát, bổ sung thuốc và danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho hay, đây là một nội dung quan trọng thể hiện nhóm chính sách đã được thông qua khi đề nghị đưa dự thảo Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Đây cũng là một trong những vấn đề mà cử tri đặc biệt quan tâm hiện nay. Đó là danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả, tỷ lệ được hưởng bảo hiểm y tế đối với những thuốc đồng chi trả và danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở.
Đại biểu cho biết, hiện nay, danh mục này đang được quy định tại Thông tư 20 năm 2022 của Bộ Y tế. Thông tư này cũng chỉ bổ sung thêm 7 hoạt chất so với quy định tại Thông tư 30 năm 2018, nhưng những hoạt chất này chỉ được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong điều trị Covid-19, trong khi các hoạt chất đó có thể được chỉ định điều trị trong nhiều trường hợp thiết yếu khác.
Trong bối cảnh ngành công nghiệp dược đang có những tiến bộ về khoa học, có nhiều thuốc thế hệ mới hay một số dạng bào chế đặc biệt làm tăng hiệu quả điều trị cho người bệnh. “Việc chậm ban hành và ít cập nhật danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả sẽ làm ảnh hưởng tới cơ hội tiếp cận các phương thức điều trị mới tiên tiến trên thế giới, đồng thời cũng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, những người đang trông chờ vào bảo hiểm y tế để được khám bệnh, chữa bệnh. Tôi đề nghị luật hóa nội dung này” - đại biểu đề nghị.
Ngoài ra, theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về việc ban hành danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả. Theo đó, nội dung quy định mới bao gồm các nguyên tắc, điều kiện đưa thuốc vào danh mục; quy trình, thủ tục rà soát, bổ sung thuốc vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần quan tâm việc cập nhật danh mục. Việc này phải được thực hiện hàng năm và giao Bộ Y tế quy định chi tiết.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) nêu rõ, danh mục thuốc thanh toán bảo hiểm y tế được ban hành bằng các Thông tư, nhưng từ năm 2011 đến nay mới có 4 lần ban hành. Như vậy, khoảng từ 3 đến 4 năm Bộ Y tế mới ban hành một Thông tư quy định danh mục thuốc mới, tại mỗi Thông tư, số thuốc được bổ sung cũng rất ít. Trong khi đó, khoa học công nghệ ngày càng tiến bộ, các thuốc mới ra đời nhanh và nhiều, liên tục xuất hiện phác đồ điều trị mới làm thay đổi cơ bản chất lượng điều trị bệnh, nhất là các bệnh khó, bệnh ác tính... Chính vì vậy, sự chậm trễ trong việc bổ sung thuốc đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị cho người bệnh.
Do đó, đại biểu đề nghị lần sửa đổi này cần có thêm nội dung quy định danh mục thuốc là trách nhiệm của Bộ Y tế và cho cán bộ y tế sử dụng để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, danh mục này phải được bổ sung hàng năm. Thêm vào đó, Bộ Y tế cần phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng điều khoản quy định về điều chỉnh tỷ lệ chi trả hàng năm, qua đó bảo vệ tối đa quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, đặc biệt là bệnh nhân mắc bệnh ác tính phải điều trị lâu dài.
Liên quan tới vấn đề quảng cáo thuốc, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu rõ, quảng cáo thuốc không được như chỉ định kê đơn và phải giao cho người có chuyên môn về loại thuốc đó thực hiện.
Cân nhắc quy định hậu kiểm đối với hoạt động quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng
Cho ý kiến về quy định thông tin và quảng cáo thuốc, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để đáp ứng các yêu cầu cải cách hành chính, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định này.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, hiện nay chúng ta vẫn đang áp dụng cơ chế quản lý tiền kiểm đối với quảng cáo thuốc và các thực phẩm chức năng. Trên thực tế, hoạt động quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng vẫn tồn tại nhiều bất cập; nhiều quảng cáo phóng đại gây nhầm lẫn, thậm chí lừa dối người tiêu dùng tràn lan trên các kênh thông tin khác nhau, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội, đã gây bức xúc trong cử tri và Nhân dân.
Đại biểu đặt câu hỏi, thực hiện chế độ tiền kiểm mà chúng ta vẫn đang còn vướng khó quản lý như vậy liệu khi chuyển sang chế độ hậu kiểm, chúng ta có thể thực hiện quản lý tốt được hay không? Bên cạnh đó, hoạt động quảng cáo thuốc có tính chất rất khác với các nội dung đã từng đặt ra vấn đề hậu kiểm.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu thực tế, có bao nhiêu người trong số những người xem quảng cáo có đủ trình độ chuyên môn để đánh giá xem một sản phẩm thuốc hình thành từ các thành phần khác nhau có công dụng như thế nào, có tác dụng đến đâu để đánh giá được quảng cáo đó có vi phạm, có phóng đại, có gây nhầm lẫn cho người sử dụng hay không.
Vì vậy, dù quảng cáo thuốc có vi phạm, người tiếp cận quảng cáo cũng khó có thể phát hiện ra để phản hồi đến các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xử lý, nên việc thực hiện chế độ hậu kiểm sẽ rất khó khăn. Do đó, đại biểu đề nghị vẫn tiếp tục duy trì chế độ tiền kiểm như hiện nay; đồng thời cũng cần tăng cường công tác hậu kiểm để quản lý chặt chẽ hơn hoạt động quảng cáo thuốc và các thực phẩm chức năng trong thời gian tới.
Vấn đề thứ hai, đại biểu cho rằng, dự thảo luật còn quy định khá mờ nhạt trong lĩnh vực sản xuất thuốc đông y, trong khi sản xuất thuốc đông y là thế mạnh dược phẩm của Việt Nam và có truyền thống lâu năm. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung này đầy đủ và hoàn thiện hơn.
Liên quan quy định giao Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cấp Chứng chỉ hành nghề dược cho người phụ trách công tác dược lâm sàng tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, để đảm bảo sự thống nhất về mặt quản lý chuyên môn, tránh phát sinh các thủ tục vướng mắc trong quá trình thực hiện, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thống nhất một đầu mối là giao cho Bộ Y tế cấp Chứng chỉ hành nghề dược.