Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội bày tỏ thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Công chứng để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của luật hiện hành.
Lấy công chứng viên là trung tâm
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên) nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Công chứng nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đổi mới tổ chức, hoạt động của công chứng đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đề ra là phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
Liên quan tới tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên, khoản 3 Điều 8 Dự thảo Luật quy định về một trong các tiêu chí để bổ nhiệm công chứng viên là có thời gian công tác pháp luật từ đủ 3 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân Luật, Thạc sĩ luật hoặc Tiến sĩ luật. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu cẩn trọng quy định nêu trên do quy định này chưa phù hợp với mục đích, quan điểm việc sửa đổi Luật là nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức của công chứng viên, lấy công chứng viên làm trung tâm.
Lưu ý, do tính chất công việc đặc thù của một công chứng viên được ví như "thẩm phán phòng ngừa" nên cần những người có trình độ pháp luật chuyên sâu, giàu kinh nghiệm, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành về thời gian công tác pháp luật từ đủ 5 năm trở lên.
“Công chứng không phải là hoạt động kinh doanh đơn thuần mà là nghề bổ trợ tư pháp, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch trong xã hội, phòng ngừa tranh chấp khiếu kiện, hỗ trợ hoạt động xét xử, qua đó góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công chứng viên làm nghề công chứng ngoài việc phải có bằng cử nhân luật trở lên thì cần phải có đủ kinh nghiệm thực tiễn, có thời gian công tác pháp luật đủ để bảo đảm thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật sau khi được bổ nhiệm công chứng viên”- đại biểu Nguyễn Đại Thắng nhấn mạnh.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) đề xuất, cần nghiên cứu bổ sung vào Dự thảo Luật các quy định về chức danh trợ lý công chứng viên, đồng thời nêu rõ, hiện nay trợ lý công chứng viên là thành phần không thể thiếu trong các tổ chức hành nghề công chứng và đang thực hiện khối lượng công việc khá lớn trong các tổ chức này.
Bên cạnh đó, hoạt động của trợ lý công chứng viên đang có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của các bên có liên quan trong hoạt động công chứng. Hiện nay, trợ lý công chứng viên tham gia vào hầu hết các công đoạn của quy trình công chứng, từ việc tiếp nhận hồ sơ, tư vấn hồ sơ, soạn thảo văn bản, hỗ trợ ký kết giao dịch, sắp xếp đến tổ chức ký kết giao dịch, cập nhật hồ sơ, dữ liệu…
Theo đại biểu, với phạm vi xử lý công việc lớn như vậy, hoạt động của trợ lý công chứng viên ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của hoạt động công chứng, cũng như trực tiếp đến quyền lợi của khách hàng, nhất là trong việc bảo mật thông tin. Do vậy, nếu không có quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ thì không có cơ sở để các trợ lý công chứng viên có tư cách giao tiếp, xử lý công việc, cũng như không rõ các nghĩa vụ cụ thể để bảo đảm quyền lợi của khách hàng.
Mở rộng quyền lựa chọn mô hình của các văn phòng công chứng
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận) quan tâm đến quy định các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 7 của Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Theo đại biểu, các quy định kế thừa các quy định của Luật Công chứng hiện hành như nghiêm cấm công chứng viên quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức của mình.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông thấy rằng, các hành vi bị nghiêm cấm về quảng cáo đã được pháp luật về quảng cáo đã quy định. Nội dung nghiêm cấm như Dự thảo Luật làm hạn chế quyền cung cấp thông tin của công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng cũng như là quyền tiếp cận thông tin của người dân đối với các công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động.
Do đó, đại biểu đề nghị rà soát, chỉnh lý quy định về quảng cáo trong hoạt động công chứng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công chứng viên và tổ chức thành người công chứng cũng như các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng quy định tại Điều 20, đại biểu Nguyễn Hữu Thông nhận thấy rằng, dự án Luật kế thừa các quy định hiện hành. Tuy nhiên, khoản 1, Điều 20 của dự thảo Luật quy định Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại mô hình là công ty hợp danh.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, quy định trên vẫn còn nhiều băn khoăn vì trên thực tế ở vùng sâu, vùng xa, những nơi có mật độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao thì có thể cho phép thành lập loại hình Văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ là rất là phù hợp. Một mặt là vừa là góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương là xã hội hóa hoạt động công chứng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo sớm tiếp cận với lại dịch vụ công chứng mà không cần thiết phải đi xa để thực hiện nội dung này.
Cũng quan tâm về mô hình văn phòng công chứng, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho biết, hiện nay có 4 mô hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Trong đó, có 2 loại hình doanh nghiệp là: Doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh là những loại hình được coi là phù hợp với những ngành nghề kinh doanh đòi hỏi thương hiệu và trách nhiệm nghề nghiệp cá nhân cao.
“Việc Dự thảo Luật quy định văn phòng công chứng chỉ được hoạt động dưới mô hình công ty hợp danh có thể dựa trên những đặc điểm trên. Mặc dù công chứng là hoạt động có tính đặc thù nhưng hành nghề công chứng đã được Luật Đầu tư xác định là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, các quy định Dự thảo Luật cần đảm bảo quyền tự do kinh doanh, mở rộng quyền lựa chọn mô hình kinh doanh của các nhà đầu tư.”, đại biểu nói.
Theo đại biểu, Dự thảo Luật nên cho phép mở các văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân. Qua đó tạo điều kiện thành lập các văn phòng công chứng ở những địa bàn còn thiếu hoặc cho phép các cá nhân, pháp nhân góp vốn vào văn phòng công chứng nhằm tăng nguồn vốn đầu tư, tạo điều kiện cho văn phòng công chứng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, cách tiếp cận của Dự thảo Luật này theo hướng công chứng là dịch vụ công, trước đây nhà nước thực hiện thực hiện công việc này. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương của Đảng, chúng ta xã hội hóa một số hoạt động, phù hợp với thông lệ quốc tế; quan điểm và cách tiếp cận và một số điều kiện bắt buộc gắn với dịch vụ công thì không thay đổi. Chúng ta thống nhất với cách tiếp cận và cũng thống nhất về cơ bản giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra thiết kế một số quy định đi theo mạch này.
Trong đó, mô hình của tổ chức hành nghề công chứng, năm 2006, đã mở ra hai mô hình, sau đó khi tổng kết thực hiện nhận thấy không phù hợp. Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng 3.300 công chứng viên và 1.300 tổ chức hành nghề công chứng, như vậy trung bình có 2,5 công chứng viên đối với một tổ chức hành nghề, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cân nhắc thêm thông tin này để xem xét mô hình của văn phòng công chứng.
Về lý do cấm quảng cáo, Phó Thủ tướng cho biết, từ cách tiếp cận đây là dịch vụ công thì không thương mại hóa. Chúng ta không cấm hoàn toàn các công cụ để tự giới thiệu về mình của các tổ chức hành nghề công chứng; chỉ cấm quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) dự kiến sẽ tiếp tục được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.