Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 18 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, mục tiêu tổng quát và những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể được nêu trong Nghị quyết đã cho thấy quyết tâm lớn của Trung ương trong việc tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy. Quyết tâm lớn ấy rất cần những hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình và bước đi vững chắc.
Đối với hệ thống tổ chức của Đảng, nghị quyết nêu rõ: Kết thúc hoạt động của các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; tổ chức lại Đảng bộ ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao theo hướng vừa bảo đảm quy định chung, vừa bảo đảm tính đặc thù nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng ở ngoài nước. Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương sẽ chuyển về Ban Nội chính Trung ương và tổ chức lại cho phù hợp. Hệ thống tổ chức Nhà nước ở Trung ương, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội cũng sẽ được sắp xếp tinh gọn bộ máy.
Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai), cho rằng, đây là những việc cần làm ngay để sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy của cả hệ thống chính trị, nhất là trong điều kiện ngân sách khó khăn lại phải “nuôi” một bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc. Song, theo ông Dương Trung Quốc, thu gọn đầu mối phải đi đôi với thu gọn đội ngũ, giảm biên chế.
“Phải xem xét việc thu gọn đầu mối trên cơ sở liệu có thu gọn được đội ngũ cán bộ không? Giải pháp đầu tiên tôi thấy cần thiết nhưng từ giải pháp ấy phải đi đến mục tiêu rất cụ thể là giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách về mặt chi tiêu thường xuyên”, đại biểu Dương Trung Quốc nêu quan điểm.
Bộ máy hiện nay còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, bất cập và không phù hợp với tình hình hiện nay. Vì vậy, cần phải có sự thay đổi, lộ trình để tinh giản và các địa phương, bộ ngành phải quyết liệt vào cuộc. Theo đại biểu Phan Ngọc Thọ (đoàn Thừa Thiên Huế), không dễ thay đổi quan điểm, nhận thức trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy tiến tới giảm biên chế và quan trọng là nâng cao chất lượng xây dựng bộ máy chuyên nghiệp trong quản lý điều hành các tổ chức chính trị cũng như chính quyền. Do đó, cần có phương án khoa học để đảm bảo sự hài hòa trong sử dụng, quản lý đội ngũ cán bộ, nhân viên hiện nay.“Tổ chức bộ máy có thể sắp xếp theo nhiều quan điểm nhưng xử lý từng con người cụ thể lại vô cùng khó khăn, phải có phương án tận dụng người tài, có khả năng để đảm bảo công việc. Bên cạnh đó, đặt ra chủ trương giảm 10% biên chế trong thời điểm này, kết hợp hai nội dung này để có phương án sắp xếp, sát nhập là vấn đề lớn cần bàn bạc kỹ để có phương án tổ chức đúng, đảm bảo đội ngũ làm việc chất lượng, chuyên nghiệp. Những người nghỉ việc, thôi việc cũng cần xử lý theo đúng quy định hiện hành”, đại biểu Phan Ngọc Thọ nêu ý kiến.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết là Quy định số lượng với tỉ lệ hợp lý giữa lãnh đạo, uỷ viên thường trực, uỷ viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội theo hướng giảm số lượng cấp phó và uỷ viên thường trực; Sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong của Văn phòng Quốc hội theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Đồng thời, tăng tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách theo mục tiêu đã đề ra; nghiên cứu việc giảm hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp.
Nhất trí cao với quan điểm này, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (đoàn Bình Phước) phân tích: “Việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách là rất cần thiết vì tính hiệu quả cũng cao hơn, đại biểu chuyên trách có thời gian đầu tư nghiên cứu sâu vào công việc xây dựng pháp luật. Còn đại biểu kiêm nhiệm thì ngoài nhiệm vụ là đại biểu quốc hội còn chuyên môn chính của các đại biểu đó, khi đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ hàng năm thường căn cứ vào nhiệm vụ chính nên người ta tập trung công tác chuyên môn hơn”.
Các đại biểu tin tưởng, với quyết tâm của Đảng, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, bộ máy hệ thống chính trị sẽ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay./.