ĐBQH: Xem xét trách nhiệm của cả cơ quan quản lý khi xảy ra cháy nổ

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 27/10, tại phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu đặt vấn đề: Có hay không tiêu cực, xuê xoa trong kiểm tra, thanh tra, cấp phép an toàn về phòng cháy?

Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm và tồn tại nhiều năm 

ĐB Quốc hội Bế Minh Đức (đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng) để cập đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Theo ĐB, năm 2022 là năm thứ 2 các địa phương triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; là năm các bộ, ngành, địa phương bắt đầu khởi công mới nhiều dự án cùng với việc triển khai chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đến 30/9/2022 tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn thấp hơn so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, 3 chương trình mục tiêu quốc gia đạt kết quả thấp, ước giải ngân vốn ngân sách Trung ương đến 30/9 chỉ đạt 3,86% kế hoạch.

ĐBQH Bế Minh Đức (Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
ĐBQH Bế Minh Đức (Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Theo ĐB Bế Minh Đức, nguyên nhân chậm giải ngân đầu tư công có khách quan: Ảnh hưởng đại dịch Covid-19, các yếu tố tác động bên ngoài đến nền kinh tế dẫn đến giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu tăng cao; tình khan hiếm nguồn cung cát, đất để san lấp mặt bằng. Nhưng cũng còn nguyên nhân chủ quan là một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ, chưa thống nhất, chưa khả thi; ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng kỷ cương kỷ luật trong đầu tư công chưa cao; thái độ thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ công chức còn kém; năng lực triển khai thực hiện còn yếu, chưa quyết liệt...

ĐB Bế Minh Đức phân tích, khó khăn vướng mắc khi triển khai các dự án đầu tư công là thể chế chính sách liên quan đến đầu tư còn nhiều bất cập, ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án. Theo quy định của pháp luật, từ khi hình thành dự án đến khi giải ngân vốn, tổ chức thi công cũng phải trải qua rất nhiều giai đoạn, thủ tục: Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện một dự án trải qua 12 bước. Với dự án nhóm A nếu thực hiện đủ các trình tự, thủ tục thì thời gian mất gần 2 năm; với dự án nhóm B, nhóm C thì thời gian mất 9-10 tháng nếu không có vướng mắc trong khâu chuẩn bị, giải phóng mặt bằng.

Mặt khác, trình tự triển khai dự án được quy định bởi rất nhiều văn bản pháp luật liên quan như Luật Đất Đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công.... Mỗi một giai đoạn đều phải tuân thủ trình tự nghiêm ngặt theo đúng thời gian quy định nên dẫn đến tiến độ chậm. Mặt khác, một số quy định trong văn bản hướng dẫn còn có sự giao thoa, chồng chéo, mất nhiều thời gian hoàn thiện các thủ tục theo quy định. 

Năm 2022, năm đầu tiên giải ngân vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương mất nhiều thời gian nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách cụ thể và xây dựng cơ chế chính sách cụ thể hoá các quy định của Trung ương nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý để triển khai tại địa phương. Nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giao muộn, nhiều hạng mục thực hiện theo Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu. Cùng đó, các văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa ban hành đồng bộ, chưa đầy đủ. Vì vậy, các địa phương, đơn vị gặp nhiều khó khăn trong công tác triển khai thực hiện, ảnh hưởng tiến độ giải ngân vốn được giao năm 2022. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Từ những vướng mắc, khó khăn nêu trên, ĐB Bế Minh Đức kiến nghị các bộ, ngành T.Ư sớm ban hành đầy đủ các thông tư hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để địa phương để có đầy đủ cơ sở triển khai thực hiện.

Ngoài ra, do nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giao muộn, các văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, vốn sự nghiệp giao nhiệm vụ quá thời hạn, đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cho phép điều chuyển vốn giữa các dự án, tiểu dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn năm 2022 và cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn năm 2022 sang năm 2023. Đồng thời, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành quan tâm xây dựng hoàn thiện văn bản pháp luật theo hướng đơn giản hoá thủ tục hành chính để tạo động lực cho thực hiện mục tiêu phát triển các lĩnh vực, trong đó có triển khai các dự án đầu tư công.

Đề nghị làm rõ nguyên nhân, giải pháp giảm cháy nổ

ĐB Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Đoàn tỉnh Quảng Trị) cho biết, hiện cử tri và Nhân dân rất quan tâm đến vấn đề sạt lở, lũ lụt, lũ quét vùng miền núi, xói lở bờ sông, bờ biển, nước triều dâng thường xuyên đạt đỉnh, gần đây những thành phố lớn được đầu tư hiện đại đều lần lượt bất ngờ xuất hiện ngập lụt lớn. Vậy đâu là nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp nào cho vấn nạn này? 

ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Bên cạnh đó, ĐB Hoàng Đức Thắng cũng quan tâm và chỉ rõ, tình hình cháy nổ, hỏa hoạn diễn biến phức tạp với tần suất gia tăng - nhất là các vụ cháy tại các khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, vũ trường, karaoke, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thương tâm, gây ám ảnh, bất an.

ĐB cho rằng, nguyên nhân của các vụ cháy ngoài ý thức trách nhiệm của các chủ cơ sở, sự bất cẩn của người dân; do đầu tư hệ thống thiết bị phòng cháy, chữa cháy chất lượng kém - làm cho có để đối phó thì trách nhiệm này thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chuyên trách quản lý về phòng cháy, chữa cháy.

ĐB Hoàng Đức Thắng đặt vấn đề: Có hay không tiêu cực, xuê xoa trong kiểm tra, thanh tra, cấp phép an toàn về phòng cháy?. Việc truy cứu trách nhiệm các chủ cơ sở, công trình để xảy ra cháy, nổ là đúng, vậy xem xét trách nhiệm quản lý của các các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy không?. ĐB đề nghị giải trình làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân và giải pháp căn cơ nhằm đẩy lùi các vụ cháy nổ, nâng cao năng lực phòng cháy, bảo vệ sự an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần