Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để ai cũng đi xe buýt

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn
Chia sẻ Zalo

Tôi lạc đề khi nghĩ về tâm lý, một khía cạnh của văn hóa giao thông.

 Đã là người đều phải suy nghĩ, tính toán chọn lựa trước khi làm và cần cân nhắc bốn yếu tố: sao cho nhanh nhất, rẻ nhất, an toàn nhất, khỏe người nhất. Bốn cái này khó gặp nhau nên phải lựa chọn.

 Đời người hữu hạn nên làm gì cũng phải tính đến chi phí thời gian. Bởi thời gian một đi không trở lại. Tỷ phú USD cũng không mua được thời gian khi đã mất.

Đi trong TP, ai cũng biết xe máy không an toàn nhất, nhưng nhanh hơn ô tô cá nhân (ấy là chưa nói không có chỗ đỗ), càng nhanh hơn xe buýt, nhất là giờ cao điểm. Xe buýt an toàn hơn, khỏe người hơn, rẻ hơn (được trợ giá) nhưng mất nhiều thời gian nhất. Phải lựa chọn xe máy là thế.

Vì sao chậm nhất?

Vì mật độ, lưu lượng các loại xe rất lớn, đường chật (nhất là khu phố cổ, phố cũ) và tổ chức giao thông chưa hợp lý. Chỉ cân nhắc những yếu tố trên đã thấy sự lựa chọn xe máy là hợp lý. Thế nên lượng xe máy tăng lên gấp triệu lần xe con, gấp triệu triệu lần xe buýt. Nếu cộng thêm văn hóa giao thông của một số người kém thì tắc nghẽn, kẹt cứng là tất yếu, là chuyện cơm bữa.

 Vận chuyển bằng phương tiện công cộng để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.      Ảnh:  Hải Linh

Thử nói về việc tổ chức giao thông. Chỉ cần phân luồng từ Bắc xuống Nam thành hai cặp đường một chiều song song theo trục Bắc - Nam, một xuôi một ngược đã hiệu quả ngay: Phía Đông là cặp Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, Phố Huế – Hàng Vôi, Ngô Quyền, Ngô Thì Nhậm; Phía Tây là cặp Lê Thái Tổ, Bà Triệu – Quang Trung.

Chỉ thay bục cảnh sát đặt giữa ngã tư, ngã năm bằng hệ thống đèn tín hiệu, nhất là có đồng hồ đếm ngược càng có hiệu quả trong điều tiết giao thông.

Nếu tổ chức giao thông không hợp lý thì lại phản tác dụng ngay. Khi luật giao thông quy định đèn đỏ không được rẽ phải lập tức xe ùn nghẽn chật cứng các ngã tư, ngã năm. Trong số những người phản đối có hai tên tuổi: Nguyễn Công Tài (đương nhiệm Tổng cục trưởng Hải quan (đã mất) và Nguyễn Xuân Yêm (giờ là GS.TS Thiếu tướng, Giám đốc Học viện Cảnh sát). Nhưng luật đã thông qua rồi! Đành chữa cháy bằng giải pháp tình thế, nhiều ngã tư ngã năm cho phép rẽ phải bằng tín hiệu đèn. Không có đèn thì có biển báo. Chỗ nào có điều kiện thì làm thêm đường nhánh để xe thoát phải nhanh hơn.

Định tiến tới cấm xe máy?

Trong nội thành là tuyệt vời nếu…

Còn ngoại thành thì… Rất không ổn. Về quê, du ngoạn, phượt bằng gì hả trời?

Ở nội thành? Chỉ làm được khi tỷ lệ diện tích cho đường đạt từ 15 - 20% tổng diện tích đất (kể cả đường trên cao (hai tầng, ba tầng khác mức). Giờ mới có rất ít chỗ có một tầng và thêm nhiều cầu vượt để tránh giao cắt. Đường sắt trên cao, đường sắt ngầm, đường bộ ngầm qua sông…

Ở nội thành chỉ làm được khi vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ (thời văn minh xe đạp, đâu cũng có biển đi bộ trên hè. Giờ vỉa hè để buôn bán, rửa xe…). Nội thành chỉ làm được khi xe buýt tăng tần suất lên 10 - 15 phút/chuyến, xe buýt nhanh 5 phút/chuyến, xe điện trên cao/ngầm 2 phút/chuyến…

Vì sao xe buýt chưa lên ngôi? Để viết về xe buýt tôi về nhà cất xe máy đi một vòng, về đúng chỗ cũ. Nhưng lúc ấy không phải giờ cao điểm nên xe buýt không bộc lộ mặt yếu. Còn giờ cao điểm những ai đi? Sinh viên (số đông vì nghèo) và khách vãng lai. Người về hưu không đi lúc ấy mà lùi lại muộn hơn, vì giàu thời gian hơn. Công chức, viên chức ít đi. Vì giờ cao điểm không thể đi nhanh được, đỗ nhiều điểm. Mới đây một vị hàm Bộ trưởng nói trên báo, nếu khoán xe ô tô vào lương, ông cũng đi xe máy.

Chưa kể nữ trẻ có thể bị quấy rối, và ai cũng có thể bị móc túi

Chưa nói, từ chỗ đỗ xe đến nơi làm việc đi bằng gì giữa nắng rát, rét căm, dài dăm trăm mét đến cả cây số? Giờ là cánh xe máy túc trực gánh việc này. Lẽ ra phải có xe ô tô điện, xe lam (túc túc) đảm trách những đoạn ngắn, đến ngang cùng ngõ, ngách, hẻm. Chưa kể đến nơi làm việc, lại có việc phải đi, không phải lúc nào cũng gọi taxi được. Chưa kể đi làm về còn tạt ngang tạt ngửa.

Thế nên người ta vẫn không chọn xe buýt. TP Hồ Chí Minh mới mở một tuyến buýt miễn phí đến cuối năm, với lộ trình chạy 80km chắc hấp dẫn. Còn trong nội thành vẫn vắng khách. Có chuyến chỉ một hành khách.

Còn TP Hà Nội đang xây dựng tuyến xe buýt nhanh thì tiến độ diễn ra một cách khá… chậm chạp. Chỉ nhanh nếu có đường dành riêng. Và ngay cả khi có đường dành riêng, chưa chắc đã nhanh vì nhiều người đi xe máy, văn hóa giao thông kém sẽ… đường ta ta cứ đi, nhà ta ta cứ xây, ruộng ta ta cứ cày đợi ngày… Vì tâm lý muốn nhanh cho mình. Vì tắc đường, đành vi phạm, kể cả phi lên vỉa hè hay đi ngược chiều… Lúc ấy cần chế tài quá rồi. Để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, Hà Nội cần có cơ chế, chính sách nhất quán ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng đi trước một bước. Nếu dịch vụ vận tải này có chất lượng phục vụ tốt, thì người dân mới có phương tiện thay thế xe máy, khi đó giao thông Thủ đô mới trật tự, văn minh được. 

Giao thông là bài toán tổng hợp gồm nhiều phép tính phải giải. Nếu giải quyết không đồng bộ, nếu không tính hết nhẽ trong đó có vấn đề tâm lý thì khó làm được.