Đề án bảo trì đường bộ: Thay đổi toàn diện theo cơ chế thị trường

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cổ phần hóa DN bảo trì đường bộ, xã hội hóa công tác bảo trì để huy động nguồn lực từ xã hội, chuyển từ hình thức đặt hàng sang đấu thầu công khai qua mạng để chọn nhà thầu có đủ năng lực thực hiện công tác bảo trì.

Đây là ba điểm nhấn đáng chú ý nhất trong Đề án đổi mới toàn diện công tác quản lý bảo trì đường bộ được Bộ GTVT triển khai trong thời gian qua và đang thu được những “trái ngọt” xứng đáng.

Thay đổi triệt để

Trước khi Đề án đổi mới toàn diện quản lý bảo trì đường bộ ra đời, công tác bảo trì đường bộ đã gần như đến mức tới hạn của sự cũ kỹ, lạc hậu và thiếu hiệu quả. Công tác sửa chữa, duy tu định kỳ rất đặc thù song lại quản lý như đối với xây dựng cơ bản, thủ tục mất rất nhiều thời gian nên không khuyến khích việc ngăn chặn hư hỏng kịp thời, khối lượng phát sinh lớn.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra, kiểm soát khối lượng rất khó do không có tiêu chí chất lượng, không có chế tài xử phạt, khiến hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ luôn trong tình trạng xuống cấp, điều kiện làm việc và đời sống công nhân đường bộ khó khăn.
 Bảo trì đường bộ có sự thay đổi khi có hình thức đấu thầu. Ảnh: Trần Dũng
Trước đây, các đơn vị thực hiện bảo trì đường bộ lúc đó đều là những DN Nhà nước và công tác bảo trì thực hiện theo phương thức đặt hàng. Đây chính là điểm bó buộc các DN, không cho họ có cơ hội phát huy sự năng động, sáng tạo và tự làm mới chính mình.
Bởi khi nhận bảo trì theo hình thức đặt hàng giao việc, các DN thường có tư tưởng công việc bảo trì đương nhiên là của mình, không bị đơn vị khác cạnh tranh nên họ thực hiện rất đủng đỉnh, thiếu bài bản và không bao giờ có ý thức tự đổi mới, tự nâng cao năng lực. Công tác bảo trì với hình thức đặt hàng giao việc như vậy chẳng khác nào một điệp khúc được lặp đi lặp lại ngày này qua năm khác.
Và người “ca sĩ” cũng chỉ biết hát đi hát lại điệp khúc đó mà chẳng cần quan tâm hay - dở như thế nào. Điều này không chỉ khiến DN rơi vào tình trạng trì trệ, không thể phát triển mà chính chất lượng những tuyến đường được bảo trì cũng không cao. Vô hình trung, cả DN, Nhà nước và người dân đều bị thiệt thòi bởi phương thức bảo trì đường theo kiểu cũ này.

Để thay đổi thực trạng này, Đề án đổi mới toàn diện quản lý bảo trì đường bộ đã được Bộ GTVT xây dựng và triển khai với kỳ vọng tạo ra một cuộc cách mạng thực sự trong công tác bảo trì đường bộ. Từ đề án, vấn đề tổ chức phương thức quản lý, xây dựng hệ thống thông tin quản lý cơ sở hạ tầng, công tác lập kế hoạch bảo trì, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại... đã được đổi mới triệt để. Nổi bật trong những kết quả sau khi thực hiện đề án này là việc đấu thầu quản lý bảo trì đường bộ. Thay vì được đặt hàng giao việc như trước kia, DN muốn tham gia vào công tác bảo trì đường bộ phải trải qua một cuộc sát hạch gắt gao bằng hình thức đấu thầu. Cùng với đó, các DN tham gia công tác bảo trì đường bộ cũng từng bước được cổ phần hóa, không còn là DN Nhà nước.
Khi cổ phần hóa, DN sẽ có tính tự chủ trong sản xuất kinh doanh bộ máy tổ chức kiện toàn theo hướng tinh gọn. Đặc biệt, DN được tự quyết định mua sắm thiết bị, mở rộng thêm ngành nghề kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Từ đó, họ mới đủ sức vượt qua những cuộc đấu thầu căng thẳng để giành quyền bảo trì đường. Không còn được đặt hàng, giao việc nữa, giờ đây, cách duy nhất để DN giành được công việc về mình chính là phải đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị, công nghệ, nâng cao năng lực chuyên môn để có thể thắng thế trong các cuộc đấu thầu.

Muốn phát triển phải có cạnh tranh

Nhận định về sự thay đổi lớn trong công tác bảo trì đường bộ mà Đề án đổi mới toàn diện quản lý bảo trì đường bộ tạo ra, ông Lê Hồng Điệp - Vụ trưởng Vụ Bảo trì đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đề án làm đúng tinh thần là xã hội hóa những lĩnh vực mà Nhà nước không cần làm, tạo điều kiện cho DN đổi mới, nâng cao năng lực, đầu tư trang thiết bị, con người để nâng cao hiệu quả, trình độ.
Từ những đổi mới mang tính căn bản, công tác đấu thầu đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội đánh giá, công tác bảo trì đường bộ đã có những bước tiến lớn kể từ khi thực hiện đề án đổi mới. Trong đó, điểm mấu chốt nhất là chấm dứt cơ chế xin - cho để thay bằng hình thức đấu thầu giàu tính cạnh tranh đúng với cơ chế thị trường.
“Khi vẫn còn cơ chế xin - cho, đặt hàng giao việc thì bản thân DN sẽ không bao giờ có động lực để đổi mới bản thân. Bởi khi đó, họ không có đối thủ cạnh tranh, không có ai đe dọa “nồi cơm” của họ” - ông Bùi Danh Liên cho biết. Chuyên gia giao thông này khẳng định, trong bất cứ lĩnh vực nào nếu không có tính cạnh tranh thì sẽ không có sự phát triển. Đó là quy luật bất di bất dịch. Hơn nữa, khi có sự cạnh tranh trong công tác bảo trì đường bộ cũng sẽ kéo theo nhiều hiệu ứng tích cực khác mà dễ nhận thấy nhất là chất lượng mặt đường sẽ tốt hơn. Điều này chính người dân được hưởng lợi.
“DN muốn trúng thầu thì phải đầu tư máy móc hiện đại, nâng cao chất lượng nhân công... Mà khi công tác bảo trì được thực hiện bằng đội ngũ nhân công có chuyên môn, trình độ cao và hệ thống máy móc hiện đại thì đương nhiên chất lượng mặt đường sẽ tốt hơn, êm thuận hơn rất nhiều. Điều này mang đến lợi ích cho cả cộng đồng” - chuyên gia Bùi Danh Liên nhận định.

Từ câu chuyện đổi mới của công tác bảo trì đường bộ, TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông liên hệ tới hiện trạng công tác bảo trì hạ tầng đường sắt hiện nay và cho rằng, công tác bảo trì hạ tầng đường sắt cũng nên có sự đổi mới như bảo trì đường bộ đã làm. “Công tác bảo trì hạ tầng đường sắt vẫn đang thực hiện bằng hình thức đặt hàng giao việc. Điều này sẽ không tạo ra động lực để các DN bảo trì phát triển. Nếu lựa chọn DN bảo trì qua hình thức đấu thầu thay vì đặt hàng giao việc như hiện nay có thể tạo ra những hiệu ứng tích cực như đã có với công tác bảo trì đường bộ” - TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết.

"Việc thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cho tất cả gói thầu bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ là một bước tiến trong công tác bảo trì đường bộ, khắc phục được tình trạng “lọt” nhà thầu yếu kém do cơ chế giao khối lượng trước đây."- Vụ trưởng Vụ Bảo trì đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam Lê Hồng Điệp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần